Tìm biện pháp trừng phạt

Mỹ, Nhật, Hàn tìm biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Mỹ, Nhật và Hàn đang tìm kiếm các biện pháp cứng rắn hơn với Triều Tiên sau khi nước này phóng vệ tinh ngày 12/12.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm kiếm các biện pháp cứng rắn hơn với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ phóng vệ tinh vào ngày 12/12, hành động mà phương Tây luôn coi là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young cho biết "sẽ có các biện pháp cứng rắn hơn" so với những gì đã được áp dụng sau khi Triều Tiên phóng tên lửa hồi tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, ông Cho từ chối tiết lộ chi tiết các biện pháp này và cho biết Hàn Quốc đang tiến hành tham vấn với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông nói thêm rằng Triều Tiên "sẽ phải trả giá cho việc phớt lờ các cảnh báo và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc."

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/12, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tái khẳng định lập trường của Washington coi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động "khiêu khích," đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, thách thức các thể chế quốc tế về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và vi phạm trực tiếp các nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Carney cho biết Mỹ "sẽ làm việc với các đối tác quốc tế của mình để đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ bị cô lập hơn nữa và phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn do sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế."

Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn chống Triều Tiên thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Phát biểu trước báo giới sau khi Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Nishida đã lưu ý tới Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ phóng tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng hồi tháng Tư vừa qua, trong đó nêu rõ sẽ “áp dụng hành động thích hợp” trong trường hợp Triều Tiên tiến hành một vụ phóng nữa.

Theo ông Nishida, với vụ phóng lần này của Triều Tiên, "việc cân nhắc các biện pháp, trong đó có các lệnh trừng phạt, là thích hợp”. Về hành động mà Hội đồng Bảo an cần thực hiện, ông Nishida cho rằng "cần đưa ra một thông điệp không dưới mức Tuyên bố của Chủ tịch hồi tháng Tư vừa qua.”

Cũng theo ông Nishida, do không phải là thành viên Hội đồng Bảo an, Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên Hội đồng Bảo an như Mỹ, Trung Quốc, cũng như với Hàn Quốc, nước sẽ tham gia hội đồng này vào tháng tới với tư cách thành viên không thường trực.

Liên quan đến vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 13/12 cho biết vệ tinh của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo hoạt động, qua đó xác nhận thành công của sứ mệnh vũ trụ mà Bình Nhưỡng đã thông báo.

Phát ngôn viên Bộ trên, ông Kim Min-Seok cho biết vệ tinh của Triều Tiên "đang di chuyển theo quỹ đạo bình thường," song nhấn mạnh "hiện chưa thể biết vệ tinh này thực hiện nhiệm vụ gì."

Theo ông Kim Min-Seok, thường phải mất hai tuần để đánh giá xem một vệ tinh có thành công hay không.

Trước đó, mạng tin Yomiuri của Nhật Bản ngày 12/12 dẫn lời quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ cho rằng "dường như Triều Tiên hoàn toàn mất kiểm soát đối với vệ tinh mà Bình Nhưỡng vừa đưa vào quỹ đạo" sáng cùng ngày.

Theo báo trên, kênh truyền hình CNN của Mỹ dẫn lời quan chức này cho biết không có bằng chứng cho thấy vệ tinh của Triều Tiên đã phát đi những tín hiệu cần thiết.

Theo quan chức này, vật thể được đưa vào quỹ đạo là vệ tinh thông tin đang di chuyển quanh trục Nam-Bắc của Trái Đất nhưng chưa thể khẳng định vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo ổn định hay chưa.

Theo nguyên tắc thông thường, sau khi vệ tinh đi vào quỹ đạo thì trung tâm điều khiển mặt đất sẽ phát tín hiệu để vệ tinh mở tấm pin năng lượng Mặt Trời, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã bước vào giai đoạn đó./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục