Mỹ: Thêm một tín hiệu về khả năng Fed cắt giảm lãi suất

Quan chức Fed cho biết nếu lạm phát có thể chậm lại và thị trường lao động tạo thêm việc làm với tốc độ ổn định, việc Fed điều chỉnh chính sách theo nhịp độ đều đặn, bình thường là hợp lý.

Hàng hóa được bày bán trong siêu thị El Progreso ở Mount Pleasant, khu lân cận Washington, D.C., Mỹ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Hàng hóa được bày bán trong siêu thị El Progreso ở Mount Pleasant, khu lân cận Washington, D.C., Mỹ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco, Mary Daly, ngày 26/8 cho biết "đã đến lúc Fed phải cắt giảm lãi suất, có thể bắt đầu bằng việc giảm 0,25 điểm phần trăm," đồng thời cho rằng khả năng xuất hiện nhân tố có thể phá hỏng kế hoạch cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 của Fed là "khó tưởng tượng vào thời điểm này."

Trong bài trả lời phỏng vấn Bloomberg TV, bà Daly cho biết lạm phát rất có thể sẽ tiếp tục chậm lại trong thời gian tới và thị trường lao động Mỹ sẽ tạo thêm việc làm với tốc độ "ổn định, bền vững." Theo bà, nếu điều đó diễn ra, việc Fed điều chỉnh chính sách theo nhịp độ đều đặn, bình thường là hợp lý.

Fed thường điều chỉnh lãi suất theo mức 0,25 điểm phần trăm, mặc dù ngân hàng này đã trải qua 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp vào năm 2022 và tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2023 để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng.

Lặp lại những gì Chủ tịch Fed Jerome Powell vừa phát biểu tại Hội nghị kinh tế chuyên đề cuối tuần trước ở Jackson Hole, Wyoming (Mỹ), bà Daly nói: "Theo quan điểm của tôi, giờ là lúc để Fed điều chỉnh chính sách lãi suất."

Fed đã giữ lãi suất chính sách ở mức 5,25-5,50% kể từ tháng 7/2023. Tuần trước, ông Powell đã phát biểu tại cuộc họp của các ngân hàng trung ương toàn cầu tại Jackson Hole rằng “đã đến lúc Fed cần cắt giảm lãi suất," dựa trên những tiến bộ trong việc giảm lạm phát và mức độ hạ nhiệt trên thị trường lao động.

Mức tăng so với cùng kỳ năm trước của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 2,5% trong tháng Bảy. Mục tiêu của Fed là đưa lạm phát về 2%, sau khi đạt đỉnh khoảng 7% vào năm 2022.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2024 là 4,3%, cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với một năm trước, nhưng vẫn thấp so với tiêu chuẩn.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ công ty tài chính thế chấp Freddie Mac, lãi suất thế chấp cố định 30 năm đã giảm từ đầu năm nay và gần đây rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Kết quả là một lượng lớn chủ nhà đã nhanh chóng tái cấp vốn cho các khoản thế chấp của họ.

Theo báo cáo từ Cục Điều tra Dân số và Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ, doanh số bán nhà mới của nước này đã tăng hơn 10% trong tháng trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2023. Không chỉ vậy, theo dữ liệu từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR), doanh số bán nhà sẵn có của Mỹ cũng tăng trong tháng trước, dù mức tăng khiêm tốn chỉ 1,3%. Điều này đã chấm dứt chuỗi bốn tháng liên tiếp doanh số này sụt giảm.

Tình trạng thiếu nhà kinh niên đang là thách thức chính của thị trường nhà ở Mỹ do ảnh hưởng của nó đến giá cả. Hai ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất các giải pháp riêng của họ để tăng cường nguồn cung nhà ở. Ông Trump đề xuất sử dụng quỹ đất liên bang để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, trong khi bà Harris kêu gọi xây dựng 3 triệu căn nhà ở mới.

Theo Bộ Lao động Mỹ, tăng trưởng việc làm hàng năm của nước này tính đến tháng 3/2024 không như kỳ vọng ban đầu, khiến Fed thêm lo ngại về thể trạng của thị trường lao động, trong bối cảnh Fed đang cân nhắc giảm lãi suất vào tháng 9.

Báo cáo này cho biết ước tính về tổng số việc làm được tạo thêm trong giai đoạn từ tháng 4/2023-3/2024 đã được Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh giảm 818.000 việc làm so với báo cáo ban đầu. Việc điều chỉnh này đã khiến mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng trong giai đoạn này giảm xuống còn 174.000 việc làm/tháng, so với mức 242.000 việc làm được báo cáo trước đó.

ttxvn-viec lam my.jpg
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực tư nhân cũng được điều chỉnh giảm 819.000 việc làm so với ước tính trước đó, trong khi tăng trưởng việc làm trong các cơ quan chính phủ về cơ bản không thay đổi. Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, báo cáo sửa đổi của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lĩnh vực tư nhân và các cơ quan chính phủ nước này đã tuyển dụng khoảng 157,3 triệu lao động trong giai đoạn từ tháng 4/2023-3/2024, giảm so với mức 158,1 triệu việc làm được báo cáo trước đó.

Lĩnh vực dịch vụ và kinh doanh chứng kiến mức điều chỉnh giảm lớn nhất, với mức giảm 358.000 việc làm, tương đương 1,6 điểm % so với ước tính trước đó, tiếp theo là ngành giải trí và khách sạn với 150.000 việc làm bị điều chỉnh giảm. Lĩnh vực sản xuất chứng kiến mức điều chỉnh giảm 115.000 việc làm. Một số ít ngành chứng kiến mức điều chỉnh tăng bao gồm giáo dục tư nhân và dịch vụ y tế tăng 87.000 việc làm, vận tải và kho bãi tăng 56.400 và tiện ích tăng 1.700.

Dữ liệu của Bộ Lao động sẽ tiếp tục được điều chỉnh cho đến khi báo cáo chuẩn cuối cùng được công bố vào tháng 2/2025. Tuy nhiên bản sửa đổi cuối cùng thường không khác nhiều so với các bản sửa đổi sơ bộ.

Trong bối cảnh tình hình lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách của Fed đang chuyển sự chú ý sang đảm bảo những tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ không làm chệch hướng thị trường lao động, vốn được coi là đang dần hạ nhiệt.

Dữ liệu việc làm yếu hơn kỳ vọng trong tháng 7 đã làm dấy lên những lo ngại rằng Fed có thể đã chờ quá lâu để bắt đầu cắt giảm lãi suất, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ sau đại dịch COVID-19 là 4,3%. Thị trường tài chính đang kỳ vọng mạnh mẽ Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục