Mỹ tìm sự ủng hộ của Đông Nam Á trong vấn đề trừng phạt Iran

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về vấn đề khủng bố Marshall Billingslea đang công du Đông Nam Á để kêu gọi sự ủng hộ các nước trong khu vực đối với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Mỹ tìm sự ủng hộ của Đông Nam Á trong vấn đề trừng phạt Iran ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở cảng Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXV)

Ngày 14/8, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về vấn đề khủng bố Marshall Billingslea đang công du Đông Nam Á để kêu gọi sự ủng hộ các nước trong khu vực đối với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran.

Trả lời phỏng vấn tại Singapore, ông Billingslea cảnh báo các công ty Đông Nam Á cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn kinh doanh với Iran, bởi như vậy, họ sẽ không thể làm ăn với Mỹ hay hệ thống tài chính Mỹ. Washington mong muốn sự hợp tác rộng lớn và mạnh mẽ cho chính sách trừng phạt Iran.

Ông nêu rõ mục đích chuyến thăm Singapore, trung tâm tài chính lớn của châu Á, là để hợp tác với các ngân hàng và lĩnh vực tài chính trong toàn bộ khu vực, qua đó nắm được cách thức Iran vận hành, hay che giấu chủ sở hữu thực sự của các công ty.

Mặc dù Singpore là trung tâm lọc dầu toàn cầu, song Mỹ không đưa ra các đề nghị cụ thể đối với Chính phủ Singapore về nguồn dầu từ Iran bởi hai bên không có giao thương đáng kể trong lĩnh vực này.

Ông Marshall Billingslea đang dẫn đầu một phái đoàn bao gồm các quan chức thuộc Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ thăm Đông Nam Á. Trước Singapore, ông đã tới thăm Indonesia và Malaysia. Chặng dừng chân tiếp theo của ông sẽ là Philippines và Thái Lan.

Hôm 7/8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp đặt trở lại lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời cảnh báo "bất kỳ ai làm ăn với Tehran sẽ không được làm ăn với Mỹ."

Các biện pháp trừng phạt đợt đầu của Mỹ có hiệu lực từ 04 giờ 01 ngày 7/8 theo giờ GMT (11 giờ 01 theo giờ việt Nam), nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.

[Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran?]

Dự kiến đến ngày 5/11 Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.

Động thái trên của Washington đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh châu Âu và những nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015.

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Ali Shamkhani ngày 14/8 đã kêu gọi khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại "cuộc chiến kinh tế" nhằm vào Iran do chính quyền Mỹ thực hiện.

Báo Tehran Times dẫn lời ông Shamkhani nêu rõ cuộc chiến kinh tế hiện nay phức tạp hơn cuộc chiến quân sự, nhấn mạnh rằng khu vực kinh tế tư nhân có thể hỗ trợ lớn trong việc hoạch định chính sách kinh tế. Ông cho biết các cơ chế mới đã được áp dụng để khu vực kinh tế tư nhân có thể tham gia vào quá trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục