Mỹ trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên

Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên do hậu thuẫn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngày 11/3, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Tom Donilon, cho biết Bộ Tài chính nước này đang áp đặt các lệnh trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương (FTB) của Triều Tiên do vai trò của ngân hàng này trong việc hậu thuẫn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
 
Được biết, FTB trên là cơ quan ngoại hối trọng yếu của Triều Tiên.
 
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ trừng phạt đối với 3 cá nhân có liên hệ với FTB là Pak To-Chun, Chu Kyu-Chang và O Kuk-Ryol. Ngoài ra, bộ trên còn trừng phạt Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số hai của Triều Tiên Paek Se-Bong.

Những quan chức này bị Mỹ xác định là có liên hệ tới các vụ chuyển tiền, vi phạm lệnh cấm mà Liên hợp quốc đã áp đặt liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.

Theo lệnh trừng phạt, các công ty và cá nhân Mỹ bị cấm giao dịch, làm ăn với FTB và các quan chức này. Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng cũng hối thúc các công ty của Trung Quốc ngừng việc trao đổi làm ăn với các đối tác láng giềng Triều Tiên.

Trong diễn văn tại Hiệp hội Châu Á ở thành phố New York, ông Donilon cũng nói rằng Trung Quốc không nên "giao dịch như thường lệ" với Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng đang đe dọa các nước láng giềng.

Ông Donilon nhấn mạnh: "Mỹ sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân."

Theo ông Donilon, Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng song khẳng định Triều Tiên cần phải có "các bước đi ý nghĩa" trước nhằm đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế.

Cùng ngày, tại diễn đàn Liên hợp quốc ở Geneva, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cũng đã đề xuất một bản dự thảo nghị quyết kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra về tình hình nhân quyền tại Triều Tiên.

Mỹ ủng hộ và coi đây là một hình thức gây áp lực mới buộc Triều Tiên phải ngừng chương trình hạt nhân. Một số nhà ngoại giao châu Á bày tỏ hy vọng Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết này trong tuần cuối cùng của kỳ họp hàng năm kéo dài bốn tuần, kết thúc vào ngày 22/3 tới.

Bình Nhưỡng đã mạnh mẽ lên án những lời cáo buộc trong bản dự thảo nghị quyết này.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và các đồng minh được công bố giữa lúc Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước đình chiến năm 1953 và cắt đường dây nóng liên lạc giữa hai miền vốn được thiết lập để giải quyết các sự cố xảy ra tại khu phi quân sự ở biên giới.

Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên bắt đầu từ ngày 12/2 sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, và bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục