“Tay chơi” Nguyễn Quang Sáng rời xa cõi tạm, “trưởng lão” Tô Hoài về với “Cát bụi chân ai,” nhà văn của đất và người phương Nam - Anh Đức về với đất Mẹ, tác giả của “Biển và chim bói cá” - nhà văn Bùi Ngọc Tấn kết thúc hành trình sống và viết…
Năm 2014, làng văn Việt Nam đã tiễn biệt nhiều cây bút gạo cội.
Giấc trưa… bất tận
“Giấc ngủ trưa ấy kéo dài bất tận và nó đã đưa ba vĩnh viễn rời xa má con tôi,” đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hồi tưởng lại thời điểm cha anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng “đến nơi gặp những bạn bè thân: chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc…”
Nhớ về cha, Dũng “khùng” kể: cả một đời, cha anh đã sống, đã đi, đã “chơi” và đã viết. Tụ tập cùng bạn bè bên bàn nhậu là một thú chơi đặc biệt của tác giả “Chiếc lược ngà.”
“Khi nhậu, không ít người ‘lạc lối’ nhưng cha tôi luôn giữ ‘tửu đạo’ riêng,” đạo diễn Quang Dũng chia sẻ. “Tửu đạo” ấy đã được chính nhà văn “thơ ca hóa” trong bài thơ “Rượu”: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc, nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh/ Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.”
“Rượu” của Nguyễn Quang Sáng được in trong tuyển tập “Sài Gòn thơ” (Nhà xuất bản Văn học và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2007).
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (12/1/1932-13/2/2014) sinh tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông khẳng định tài năng của mình ở nhiều thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim.
Một số tác phẩm tiêu biểu trong cuộc đời cầm bút của ông như: “Đất lửa” (tiểu thuyết, 1963), “Chiếc lược ngà” (truyện ngắn, 1966), “Cánh đồng hoang” (kịch bản phim, 1978), “Nhà văn về làng” (truyện ngắn, 2008)...
Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật.
Chuyến đi cuối cùng
Sống “vắt mình” qua hai thế kỷ (27/9/1920-7/6/2014), mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời Tô Hoài đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất Thăng Long.
Trong ký ức người ở lại - nhà thơ Bằng Việt, “cây đại thụ” Tô Hoài là một ông cụ với tâm hồn trẻ trung, yêu đời cùng nụ cười móm mém rất đặc biệt - vừa bao dung, hồn hậu lại vừa phảng phất nét nghịch ngợm, “tinh quái”…
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Hơn 70 năm cầm bút, miệt mài góp nhặt những hay, dở của cuộc đời, đắp đổi những ưu tư của nhân tình thế thái, Tô Hoài để lại cho hậu thế một gia tài văn chương đồ sộ với hơn 100 tác phẩm. Ông thường viết về những cảnh đời, phận người, về Hà Nội của một thời xưa cũ.
Điều này được thể hiện sinh động, sắc nét qua một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: “Dế Mèn phiêu lưu ký” (1941), “O chuột” (1942), “Truyện Tây Bắc” (1953), “Cát bụi chân ai” (1992), “Ba người khác” (2006)...
Kết thúc hành trình dài, nhọc nhằn trong cả đời sống và văn nghiệp, Tô Hoài đã bắt đầu chuyến đi cuối cùng tới miền cực lạc vào ngày 7/6.
Nhà văn Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (đợt 1 - năm 1996), Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010)…
Nhắc nhớ những suy tư về đất và người phương Nam
Nhà văn Anh Đức đã về với đất Mẹ vào đêm 21/8 nhưng hậu thế sẽ mãi nhắc nhớ đến các nhân vật đặc biệt trong những trang văn của ông: chị Tư Hậu (“Một chuyện chép ở bệnh viện”) hay chị Sứ (trong “Hòn đất”)…
Cả hai sáng tác tiêu biểu bậc nhất của đời văn Anh Đức đều đã được chuyển thể thành những bộ phim tiêu biểu của lịch sử điện ảnh Việt Nam. Với sự cộng hưởng ấy, những trang viết đầy suy tư, ám ảnh về đất và người phương Nam này như được nối dài đời sống và mở rộng sức lan tỏa trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhà văn Anh Đức còn có những tác phẩm đặc sắc khác như: “Biển động” (1952), “Bức thư Cà Mau” (1965), “Giấc mơ ông lão vườn chim” (1970), “Đứa con của đất” (1976)…
Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái. Ông sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa (huyện Châu Thành, An Giang). Nhà văn Anh Đức được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật vào năm 2000.
Về với “Biển và chim bói cá”
Cuối năm 2014, làng văn tiếp tục phải đón nhận tin buồn khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn bước tới tận cùng của vòng xoay “sinh-lão-bệnh-tử” vào sáng 18/12 tại Hải Phòng.
Trước khi đến với văn chương, ông là phóng viên báo Tiền Phong. Năm 1954, nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã được trao nhiều giải thưởng văn học như: Giải Henri Queffenlec (Pháp) năm 2012 cho tác phẩm “Biển và chim bói cá” (tiểu thuyết); Giải B văn xuôi (không có giải A) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tập ký chân dung “Rừng xưa xanh lá” (ký chân dung)....
Đây cũng là những trang viết tiêu biểu của đời văn Bùi Ngọc Tấn./.