Năm 2014: Tăng trưởng tín dụng ở mức 10% là hợp lý

Theo các chuyên gia, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ nên coi có tính chất định hướng thay vì phải phấn đấu bằng mọi cách.

Năm 2014: Tăng trưởng tín dụng ở mức 10% là hợp lý ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Tại hội thảo" “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015” đa số các chuyên gia kinh tế và tài chính đều cho rằng, trong năm tới, tăng trưởng tín dụng chỉ nên để ở mức khoảng 10% là hợp lý.

GDP sẽ vượt 2.000 USD/người

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Summit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá: Sự khó khăn hiện nay của kinh tế Việt Nam là hậu quả từ tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tín dụng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2007-2010 là 35-55%/năm.

"Phần tín dụng được sử dụng vào lĩnh vực mang tín đầu cơ, tạo ra bong bóng thị trường bất động sản và gây bất ổn thị trường chứng khoán, làm lạm phát tăng cao đẩy lãi suất cho vay lên dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản," ông Sumit Dutta nói.

Một số đại biểu cũng đánh giá tăng trưởng GDP năm 2013 dù “ấm hơn” nhưng vẫn ở mức thấp. Lạm phát được kiểm soát nhưng có thể quay trở lại. Năng lực cạnh tranh tăng, nhưng thấp so với khu vực. Giá vàng còn cách biệt khá lớn so với thế giới. Thị trường bất động sản còn rất khó khăn. Tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp, chưa có nhiều chuyển biến và đột phá. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao.

Tuy nhiên, ông Sumit Dutta cũng nhấn mạnh: Việt Nam có nền tảng kinh tế chắc chắn do dân số trẻ, tỷ lệ dân số biết chữ cao, tỉ lệ nghèo giảm nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng tiền Việt Nam ít mất giá hơn những đồng tiền trong khu vực…

Đặc biệt, vị Tổng giám đốc HSBC đưa ra con số 56% tỷ lệ đầu tư vào sản xuất qua 9 tháng của năm 2013 là một điều tích cực. Nguồn tiền này chủ yếu đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Đưa ra những đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam, ông Sumit Dutta cho rằng: Lạm phát Việt Nam chỉ 1 con số, lãi suất ngân hàng đang xuống thấp, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có hướng gia tăng trong năm 2013 và có thể cả sang năm 2014.

Dự đoán tình hình kinh tế năm 2014-2015, vị Tổng giám đốc ngân hàng HSBC cho rằng GDP năm 2014 là khoản 5,4%, năm 2015 là 5,8%, lạm phát vẫn đạt 1 con số trong giai đoạn 2014-2015, cán cân thương mại tăng trường tốt… Đáng chú ý, GDP bình quân theo đầu người năm 2014 sẽ vượt qua con số 2.000 USD.

Về lạm phát, HSBC đưa ra con số dự báo khá cao, CPI năm 2014 và 2015 sẽ lần lượt là 8,3-8,6%, tăng mạnh so với năm nay. Điểm tích cực là ngân hàng này dự báo dự trữ ngoại hối quốc tế của Việt Nam sẽ tăng thêm 5 tỷ USD mỗi năm, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015. Tỷ giá hối đoái hai năm tới sẽ ổn định ở mức 21.500 đồng/USD, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức 7%.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực dự báo, GDP Việt Nam năm 2014 có thể tăng trưởng cao hơn năm 2013 (khoảng 5,5-5,7%). Lạm phát giữ ổn định khoảng 7-7,5%, tín dụng có thể tăng 13-15%.

“Đây là những dự báo ban đầu, dựa trên dự báo bối cảnh kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẵn sàng tận dụng cơ hội tham gia TPP,” ông Lực nhấn mạnh.

Quan trọng là sự ổn định

Mặc dù đánh giá cao những mặt tích cực mà Việt Nam đã đạt được từ đầu năm đến nay nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế còn đi những bước đầu của quá trình phục hồi.

Điểm bức xúc lớn nhất hiện nay, theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là vấn đề vốn và nợ xấu. “Mục tiêu của năm 2013 là đạt tăng trưởng 12%. Như vậy, dư địa từ nay đến cuối năm chỉ còn 4%, với tình hình này thực sự là rất khó khăn.

Hiện ngân hàng thừa vốn nhưng không cho vay được, doanh nghiệp cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Nút thắt ở đây chính là nợ xấu. Giải quyết được nút thắt nợ xấu là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển,” ông Kiêm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng thừa nhận giải quyết nút thắt còn phải dựa vào “sức khỏe” của nền kinh tế.

Đưa ra khuyến nghị, ông Kiêm cho rằng, mức độ đáp ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp. Trong khả năng của mình, hệ thống ngân hàng cần xem xét những doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn tốt. Nếu họ chỉ có một vài yếu tố không quan trọng thì có thể tiến hành cho vay để giải quyết nút thắt về vốn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên điều này đòi hỏi trình độ và đạo đức của các cán bộ tín dụng ngành ngân hàng.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, mà chỉ nên để ở mức khoảng 10% là hợp lý. Nếu mở rộng tăng trưởng tín dụng, hậu quả của nó có thể còn phức tạp hơn. Việc giảm lãi suất huy động thêm nữa cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nên giữ ở mức lãi suất thực dương. 

“Quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số, mà là chất lượng, là tập trung vào xử lý nợ xấu, đừng để cho nợ xấu mới phát sinh. Không phải nhìn đâu xa, chỉ 3 tháng hoặc 6 tháng thôi, nợ xấu chúng ta sẽ tăng lên nếu nới chuẩn tín dụng,” ông Ánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng - Tạp chí Ngân hàng cho rằng, áp lực về tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế là khá rõ rệt trong điều kiện mở rộng tín dụng an toàn và hiệu quả vẫn diễn biến chậm. Chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ do đó chỉ nên coi có tính chất định hướng thay vì cứng nhắc phải phấn đấu bằng mọi cách hay khống chế mức tăng này.

Thông tin từ Phòng Nghiên cứu tổng hợp (Văn phòng Ngân hàng Nhà nước) cũng cho hay, mặc dù tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức thấp nhưng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất có hiệu quả cao hơn và vẫn đảm bảo mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước: Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước có những đồng nhất với quan điểm của các chuyên gia về tín hiệu tốt của nền kinh tế.

Bà Hồng cho biết: Mặc dù năm 2014, dự báo kinh tế vĩ mô có sự khác nhau nhưng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định mục tiêu điều hành theo mục tiêu ổn định kinh tế vì mô, thực hiện các giải pháp kiểm sát tiền tệ, tránh tạo áp lực, giảm lạm phát đồng thời đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu qua Công ty mua bán nợ quốc gia.

Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015” được tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và báo Lao động, diễn ra tại Hà Nội, sáng ngày 18/11/2013./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục