Trang mạng thehill.com đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức là một thành quả ngoại giao mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn đang tranh cãi về những tác động của sự kiện này đối với Trung Đông.
Một số người cho rằng đây là sự thừa nhận những thực tế và là một phần nỗ lực nhằm đối trọng Iran, trong khi số khác lại xem đây là một bước đi phản ánh những mục tiêu chính trị ngắn hạn, thay vì một chiến lược dài hơi.
Trong khi đó, giới chỉ trích nhanh chóng chĩa mũi dùi vào thỏa thuận then chốt mà theo đó Mỹ “bật đèn xanh” để Israel sáp nhập nhiều khu vực thuộc Bờ Tây, hủy hoại một phần đáng kể bản kế hoạch hòa bình mà chính Tổng thống Trump đề ra cho xung đột Israel-Palestine.
Trang mạng The Hill mới đây đã liệt kê 5 điểm rất đáng chú ý đang nổi lên trong những diễn biến ngoại giao mới Trung Đông.
Tổng thống Trump và cú hích chính sách đối ngoại tiền bầu cử
Chưa đầy 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và giờ ông Donald Trump toàn toàn có thể thử tuyên bố một chiến thắng chính sách đối ngoại.
Việc bình thường hóa quan hệ Israel-UAE được xem là một trong những yếu tố then chốt của kế hoạch “Hòa bình tới Thịnh vượng” mà chính quyền này đề ra để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Nhiều ý kiến ở cả cánh tả và cánh hữu đều rất hoan nghênh động thái này, thậm chí là cả Joe Biden.
Kế hoạch là trụ cột trong nền tảng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump cũng như là kết quả những nỗ lực suốt 2 năm trời của cố vấn cấp cao Jared Kushner, người đồng thời là con rể của Trump.
UAE là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất bản kế hoạch hòa bình khi lần đầu tiên người ta công bố văn bản này hồi tháng Một vừa qua, bất chấp sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế và phần lớn Thế giới Arab.
Tuy nhiên, lập trường này đã gần như thay đổi khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định dấn thêm một bước gần hơn tới việc sáp nhập lãnh thổ ở Bờ Tây hồi tháng Bảy vừa qua, một động thái thậm chí còn được “đồng thuận” theo bản kế hoạch của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 13/8 vừa qua Mỹ, Israel và UAE đã nhấn mạnh việc đình chỉ kế hoạch sáp nhập gây tranh cãi kể trên. Jonathan Schanzer, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại viện nghiên cứu chính sách Quỹ Quốc phòng vì Dân chủ (FDD), bình luận: “Đây là thắng lợi mang tính quyết định cho cách tiếp cận của Kushner, nơi các lợi ích và hòa bình khu vực đã được đặt lên trên tham vọng sáp nhập (lãnh thổ).”
[Lý do sâu xa của việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ]
Tuy nhiên, Khalil Jahshan, Giám đốc Điều hành Trung tâm Arab tại Washington, D.C., lại nhìn nhận thỏa thuận ngày 13/8 vừa qua thực chất là do phía Ab Dhabi thúc đẩy vì lợi ích của riêng mình, và là nhằm củng cố sự ủng hộ cho Tổng thống Trump, “người mà họ tin là đang chìm trong rắc rối.” Theo ông Janshan, UAE “muốn Trump tiếp tục nắm quyền.”
Bước tiến của UAE khiến các nước vùng Vịnh và Arab đặt dấu hỏi
Hiện mới chỉ có Ai Cập và Jordan duy trì hiệp ước hòa bình với Israel. Vào năm 2002, các nước Arab đã nhất trí không thừa nhận nhà nước Do Thái chừng nào các bên chưa tìm thấy một giải pháp cho xung đột Palestine, cũng như chưa có một nhà nước Palestine chủ quyền được thành lập.
Theo ông Jahshan, hành động của UAE có thể xem như là đã “chôn vùi” ý tưởng này. Ông nói: “Người ta từ lâu vẫn hy vọng ai đó có thể chôn vùi vĩnh viễn cái gọi là giải pháp hai nhà nước. Mãi vẫn không quốc gia nào mạnh dạn thực hiện sứ mệnh ấy. Quyết định (của UAE) thực sự đã xóa sổ ý tưởng vô tác dụng này, xóa sổ sáng kiến của chính Arab.”
Tuy nhiên, Ghaith al-Omari Yet, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Cận Đông tại Washington, cho rằng khó có khả năng các nước vùng Vịnh và Arab nhanh chóng tiếp bước UAE.
Ông nói: “Quyết định đột phá kiểu này đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị, cùng những nỗ lực mạnh mẽ ở hậu trường.
UAE là quốc gia năng động nhất trên phương diện ngoại giao tại vùng Vịnh và là nước sẵn sàng mạo hiểm… Động thái này mạo hiểm ở chỗ nó đặt Abu Dhabi đứng trước nguy cơ chịu chỉ trích của Palestine, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Các nước vùng Vịnh khác chắc chắn sẽ chờ để xem điều gì xảy ra tiếp theo đó. Nhìn về dài hạn, hai nước có nhiều khả năng tiếp bước (UAE) nhất chính là Bahrain và Oman.
Thay đổi động lực chính trị tại Trung Đông
Nhà nghiên cứu Ghaith al-Omari Yet cho rằng quyết định xích lại gần Israel của UAE nhiều khả năng sẽ khoét sâu hơn nữa những căng thẳng nội bộ của Arab, song không đến mức làm nảy sinh bất đồng mới.
Ông nhận định: “Một số nước Arab, cụ thể là những nước trong vòng ảnh hưởng của Iran (như Syria và Liban), Qatar, cùng một số nước Bắc Phi có thể sẽ tìm cách tước bỏ hoặc đình chỉ tư cách thành viên của UAE trong Liên đoàn Arab…
Song UAE lại là thành viên của một nhóm các nước Arab mạnh gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan và nhiều nhân tố khác. Họ chắc chắn sẽ không để liên minh này bị ảnh hưởng tiêu cực.”
Ông cho rằng Chính quyền Palestine cần phải cân bằng và kiềm chế sự giận dữ của mình để tránh kích động những đồng minh then chốt trong khối Arab của UAE.
Trong khi đó, ông Schanzer lại nhận định động thái mới của UAE nhiều khả năng sẽ củng cố mối quan hệ giữa Israel với Jordan, vốn đang chịu nhiều áp lực do những đe dọa về sáp nhập lãnh thổ Bờ Tây.
Nhân tố quyết định mang tên Iran
Sự đoàn kết công khai giữa Israel và UAE diễn ra trong bối cảnh Chính quyền Donald Trump đang đẩy mạnh chiến dịch nhằm vào Iran, với một mũi nhọn là phá hủy những gì còn sót lại của thỏa thuận hạt nhân do người tiền nhiệm Obama thúc đẩy, đồng thời liên tục ra tín hiệu về việc gia tăng áp lực.
Chuyên gia Omari bình luận: “Iran là ‘trung tâm hội tụ lợi ích’ giữa Israel và UAE, hai quốc gia luôn xem họ là mối đe dọa sống còn, và bước đi mới chính là một cú hích cho trục chống Iran.
Barbara Slavin, Giám đốc chương trình Sáng kiến Tương lai cho Iran, Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng liên minh mới hình thành là khởi đầu cho việc thể hiện sức mạnh của ngoại giao và đối thoại, và là những gì mà Tehran cần phải để tâm.
Bà nói: “Iran nhiều khả năng sẽ lên án thỏa thuận này, song giới lãnh đạo của Tehran cần cân nhắc đến sự lỗi thời và phản tác dụng của lập trường không chịu thừa nhận Israel mà lâu nay họ vẫn giữ… Cần nhanh chóng có những cuộc đối thoại giữa tất cả các bên trong khu vực, đặc biệt là những đối thủ lâu năm. Vì vậy, việc miêu tả bước đi mới là một động thái ‘chống Iran’ thực sự chỉ khiến những nỗ lực hòa giải khu vực gập ghềnh hơn.”
Tác động tới cử tri Mỹ
Tuyên bố ngày 13/8 vừa qua đã được chính giới Washington hoan nghênh mạnh mẽ. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng tác động của sự kiện này đối với cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ không mấy đáng kể.
Giáo sư chính trị Alan Abramowitz, Đại học Emory cho rằng đối với cử tri hiện nay, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế và những vấn đề về bình đẳng sắc tộc sau vụ việc George Floyd mới là thứ họ quan tâm nhất, “những vấn đề chính sách đối ngoại đều bị xếp sau.”
Liên minh UAE-Israel nhiều khả năng sẽ củng cố vị thế của Tổng thống Trump, chứng minh ông là nhà lãnh đạo phù hợp nhất trong vấn đề này, song cùng quan điểm ở trên, Whit Ayres - một chuyên gia về thăm dò dư luận - cho rằng những điều đó không đủ để làm dao động quan điểm của những cử tri vốn đặc biệt lo ngại về tình hình dịch COVID-19 cũng như nền kinh tế nội địa.
Những người chỉ trích Trump cũng có thể sẽ hoan nghênh việc Israel đình chỉ kế hoạch sáp nhập, song họ sẽ không cho rằng đó là kết quả của những kỹ năng ngoại giao đặc biệt.
Thêm vào đó, lực lượng tiến bộ sẽ chỉ xem đó là sự thừa nhận rằng chính sách sáp nhập đã thất bại, chính sách mà bao lâu nay họ vẫn luôn coi là nguyên nhân hủy hoại mọi hy vọng về đàm phán với Palestine và bình thường hóa quan hệ với các nước Arab.
Michael Koplow, Giám đốc Chính sách của Diễn đàn Chính sách Palestine nhấn mạnh: “Chính quyền Trump và Thủ tướng… đều đã phải công nhận rằng sáp nhập chính là rào cản đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng… Xóa bỏ lựa chọn ấy chính là điều đáng nhẽ đã phải làm từ lâu”./.