Nam Định áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho phép áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường để đắp nền đường Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng.

Nhà thầu thi công cát đắp nền đường dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công cát đắp nền đường dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 18/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho phép áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường để đắp nền đường Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, đoạn tuyến từ Km 38+300 đến Km 46+300 thuộc địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); khối lượng đắp dự kiến khoảng 2 triệu m3.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 7311/BGTVT-CQLXD ngày 9/7/2024 về "việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường"; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng có văn bản số 3930/UBND-CTXDGT ngày 9/10/2024 về việc áp dụng thí điểm sử dụng vật liệu cát biển để đắp nền đường thuộc Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, việc áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu để đắp nền đường có nguy cơ gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực.

Do đó, khi triển khai thí điểm, nhà đầu tư phải xây dựng phương án phòng, chống sự cố môi trường giai đoạn triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Đồng thời có các giải pháp để đảm bảo việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường không ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực trong thời gian thi công và sau khi hoàn thành dự án.

Cùng với đó, nhà đầu tư cần thực hiện đúng, đầy đủ việc theo dõi, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường trong khu vực dự án thực hiện thí điểm theo Đề cương quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường (trong đó phải giám sát về độ mặn và chỉ số các chất có hại cho cây trồng, thủy sản có trong cát biển); gửi kết quả quan trắc, giám sát về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định để theo dõi, giám sát.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu nhiễm mặn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hoặc xảy ra sự cố nhiễm mặn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản..., nhà đầu tư phải dừng ngay thi công tại các vị trí thí điểm; đồng thời đánh giá cụ thể nguyên nhân và thực hiện đền bù, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Xuân Trường và các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát về tác động, ảnh hưởng của việc thực hiện thí điểm đến hệ sinh thái nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy lợi và các nội dung khác theo lĩnh vực quản lý; thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình triển khai thí điểm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục