"Nam Định cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng"

Ông Trương Tấn Sang chỉ ra những tồn tại mà Nam Định cần khắc phục thời gian tới như kết cấu hạ tầng kém, khả năng cạnh tranh thấp.
Ngày 14/6, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, cùng lãnh đạo nhiều ban, ngành Trung ương đã thăm làm việc tại tỉnh Nam Định để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như kết cấu hạ tầng yếu kém làm ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp so với các địa phương khác trong vùng, đô thị tuy phát triển khá nhanh nhưng tính hiện đại chưa rõ.

Xuất phát từ những đặc điểm trên, ông Trương Tấn Sang gọi ý tỉnh trong thời gian tới cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, trong đó phát triển hệ thống giao thông để khai thác tốt những tiềm năng của địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển mạnh công nghiệp theo hướng chuyển dịch từ sản xuất gia công sang sản xuất chuyên sâu, để nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh Nam Định cũng như các tỉnh khác nằm ở vùng Nam Đồng bằng sông Hồng cần suy nghĩ, nghiên cứu về tính liên kết vùng trên cơ sở phân công hợp lý, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ chính trị đã xác định một số định hướng phát triển lớn và tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh của tỉnh Nam Định.

Cụ thể, trong năm 5 qua, kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. So với năm 2005, tổng GDP tăng hơn 1,63 lần; GDP bình quân đầu người tăng hơn 2,6 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần; thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng hơn 2,2 lần. Sản xuất nông nghiệp ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho toàn vùng. Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ cao; số lượng doanh nghiệp tăng 3,5 lần.

Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp, trong đó có bốn khu công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút 155 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 11.230 tỷ đồng và 150 triệu USD.

Ngoài ra, địa phương cũng đã đầu tư xây dựng 20 cụm công nghiệp, thu hút 374 dự án đầu tư với số vốn thực hiện đạt 1.293 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tích cực hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế biển Ninh Cơ để trình các bộ, ngành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ giảm từ 13,5% năm 2005 xuống còn 6% năm 2010. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 45%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn đạt 83%; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng cao hơn; tỷ lệ tổ chức Đảng đạt "Trong sạch, vững mạnh" và "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" đạt gần 94%, số tổ chức cơ sở Đảng yếu kém chỉ còn 0,39%.

Hiện nay, tỉnh Nam Định đang triển khai tích cực một số chương trình, nội dung được xác định trong Nghị quyết 54-NQ/TW như dự án xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đào tạo, làm hạt nhân phát triển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; dự án xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực với tổng mức đầu tư được phê duyệt lên tới 850 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển; dự án xây dựng khu di tích lịch sử-văn hóa Trần với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt 844 tỷ đồng.

Tuy mới đạt kết quả bước đầu, nhưng các dự án trên đã có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thành phố Nam Định. Đặc biệt, việc đầu tư một số tuyến đường giao thông huyết mạch và đầu tư xây dựng thành phố Nam Định đã góp phần hình thành nhanh vị thế, vai trò trung tâm, hạt nhân phát triển của tiểu vùng Nam sông Hồng./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục