Nam Định kiểm soát tốt bệnh COPD, hen phế quản

Tại Nam Định, số lượng bệnh nhân mắc COPD và HPQ được phát hiện và vào khám, điều trị ngày càng tăng ở tất cả các cơ sở y tế.

Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012-2015.

Dự án trên được triển khai tại Nam Định từ năm 2011 đến nay đã đem lại nhiều kết quả khả quan, việc phát hiện và điều trị bệnh có nhiều bước tiến quan trọng.

Người mắc bệnh COPD, hen phế quản tăng

Nam Định là tỉnh có nhiều làng nghề, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nhưng cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người mắc các bệnh tim mạch, COPD, hen phế quản và rối loạn chuyển hóa...

Tại Nam Định, số lượng bệnh nhân mắc COPD và HPQ được phát hiện và vào khám, điều trị ngày càng tăng ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh.

Mỗi năm trung bình có khoảng 300 bệnh nhân mắc COPD và hen phế quản được quản lý và điều trị tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong năm 2011, dự án đã tiến hành khám sàng lọc cho hơn 8.000 trường hợp nghi mắc COPD và hen phế quản tại 10 xã, phường và 10 trường tiểu học trên địa bàn. Kết quả chuẩn đoán có 295 trường hợp mắc hen phế quản và 118 trường hợp mắc COPD.

Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý và điều trị ngoại trú tại khoa khám bệnh cho trên 300 bệnh nhân hen phế quản và một số lượng lớn bệnh nhân mắc COPD vào điều trị nội trú tại khoa nội tổng hợp, cấp cứu và hồi sức tích cực...

Hoàn thiện mạng lưới điều trị

So với trước đây, việc phát hiện bệnh và điều trị bệnh đã có nhiều bước tiến. Dưới sự hỗ trợ của dự án, Phòng khám quản lý COPD và hen phế quản đã được thành lập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định với hệ thống máy đo chức năng hô hấp hiện đại. Mạng lưới bác sỹ, nhân viên y tế tham gia phòng chống COPD và HPQ được xây dựng đến tận tuyến huyện, xã bao gồm 37 người.

Hoạt động chính của mạng lưới là thành lập các câu lạc bộ bệnh nhân có COPD và tập huấn ứng dụng phần mềm quản lý COPD. Bên cạnh đó, việc đào tạo cho cán bộ y tế về công tác quản lý và điều trị COPD và hen phế quản, cán bộ thành thạo kỹ năng đo và đọc kết quả chức năng hô hấp được chú trọng; đến nay đã đào tạo được 70% bác sỹ, kỹ thuật viên tham gia dự án theo chương trình đào tạo của Ban điều hành dự án Trung ương giúp cho các bệnh nhân được tiếp cận với nhiều dịch vụ khám chữa bệnh này.

Theo bác sỹ Trần Thị Hiền, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Nam Định), trong hai năm qua, Ban quản lý dự án COPD đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho các bác sỹ đang công tác tại các khoa điều trị về chuyên khoa hô hấp, khoa khám bệnh, khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các cán bộ làm công tác quản lý của mạng lưới bệnh phổi tại các trung tâm y tế huyện, phòng y tế, cán bộ làm công tác điều trị tại trạm y tế xã, phường, trị trấn. Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người bệnh kịp thời phát hiện sớm triệu chứng của bệnh, đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị bệnh.

Bên cạnh đó, hoạt động cấp phát tài liệu tuyên truyền về COPD và tiến hành khám sàng lọc, cấp phát thuốc cho những đối tượng mắc COPD và hen phế quản cũng được triển khai thường xuyên tới từng địa bàn, khu dân cư.

Ngoài ra, các hoạt động tăng cường năng lực hệ thống quản lý, giám sát bệnh nhân mắc COPD và hen phế quản cũng được các đơn vị phối hợp triển khai triệt để và đồng bộ.

Cùng với đó là các hoạt động củng cố phát triển mạng lưới quản lý COPD và hen phế quản ngày càng đi sâu vào cộng đồng để người dân được tư vấn, giáo dục sức khoẻ và phòng chống COPD và hen phế quản ngày càng cao từ đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong do bệnh và tăng tỷ lệ khám sàng lọc ở các cụm dân cư ở các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Các phòng quản lý tư vấn và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản ở các bệnh viện tuyến huyện ngày cảng mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ chuẩn đoán bệnh.

Dự án cũng đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về COPD và hen phế quản, giúp nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ y tế về căn bệnh này. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp từng bước giảm tỷ lệ người mắc và chết do COPD và hen phế quản gây ra./.

Thùy Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục