Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009 đã được trao cho 5 học giả vào ngày 24/3 tại Hà Nội. Khác với những năm trước, năm nay có thêm giải thưởng cho lĩnh vực giáo dục. Mỗi giải thưởng trị giá 15 triệu đồng và những công trình đoạt giải của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh sẽ được đưa vào tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới. Giải thưởng giáo dục thuộc về nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại với nguyên lý giáo dục "lấy trẻ em làm trung tâm và lấy hạnh phúc của trẻ em làm lẽ sống." Nguyên lý đặt ra những câu hỏi xoay quanh vai trò của người thầy giáo và công tác đào tạo giáo viên. Những đúc kết nghiên cứu của ông đã được phổ biến ở 43 tỉnh và thành phố của Việt Nam. Theo nhà văn Nguyên Ngọc (Chủ tịch Hội đồng giải thưởng), giáo dục là nền móng của con người và của dân tộc. Đặc biệt, trước bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều vấn đề bức xúc thì giải thưởng này càng có ý nghĩa lớn hơn. Trong lễ trao giải, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã bày tỏ mối lo ngại về việc gần đây chúng ta phải chứng kiến sự xuống cấp đạo đức của một số thầy và trò. Bà Bình cũng chỉ ra trách nhiệm của mỗi cá nhân và xã hội cần có những đóng góp tích cực cho giáo dục, văn hóa, nâng cao tri thức toàn dân, đưa dân tộc Việt Nam hòa vào dòng chảy văn minh, tiến bộ của nhân loại. Bà nhận xét, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chính là sự tự nguyện góp phần đảm đương trách nhiệm đó. Là Ủy viên Hội đồng giải thưởng, Giáo sư Lê Ngọc Trà tự hào về giải thưởng của quỹ: “Mỗi năm giải thưởng càng cho thấy vị trí của nó trong xã hội. Đã có nhiều người quan tâm đến giải hơn. Những tác giả đoạt giải hoàn toàn xứng đáng và chính thành công của họ đã làm cho giải thưởng có uy tín hơn. Bên cạnh đó, giải thưởng cũng giúp các nhà này cảm nhận thấy hoạt động của họ được trân trọng, đánh giá cao để họ tự tin tiếp tục đóng góp cho xã hội.” Nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm, một trong năm học giả được nhận giải lần này tâm sự, bản thân ông đã từng được nhận nhiều giải thưởng nhưng các giải thưởng đó chỉ dành cho một số tác phẩm nhất định. Tuy nhiên, giải thưởng lần này ông nhận được mang tầm vóc lớn hơn bởi nó là giải thưởng cho cả một công trình nghiên cứu. Đó là sự khích lệ lớn cho ông tiếp tục công tác nghiên cứu của mình. Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đi theo lý tưởng “khai dân trí” của nhà cách mạng, nhà văn hóa Phan Châu Trinh. Tổ chức này có các hoạt động chính là khuyến khích, tôn vinh những công trình nghiên cứu văn hóa, hỗ trợ công tác dịch thuật trong Dự án tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới cũng như tài trợ học bổng đào tạo dịch thuật và nghiên cứu văn hóa. Quỹ thành lập từ năm 2007, ban đầu mang tên Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh (chỉ có giải dành cho dịch thuật). Đến năm 2008, tổ chức này đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đồng thời mở rộng các lĩnh vực giải thưởng như: giải nghiên cứu, giải Việt Nam học. Quỹ đã chọn ngày 24/3, ngày mất của nhà văn hóa Phan Châu Trinh, làm ngày trao giải thưởng định kỳ hàng năm./.
Giải thưởng Việt Nam học trao cho nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas với các tác phẩm nghiên cứu thực tế trong lĩnh vực Tây Nguyên học và dân tộc học hiện đại như “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gô” và “Kỳ lạ mỗi ngày.” Giải nghiên cứu được trao cho Inrasara Phú Trạm với công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Chăm.. Giải thưởng dịch thuật được trao cho hai dịch giả Phạm Vĩnh Cư (với các tác phẩm dịch “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới”, triết học Nga…) và Lê Anh Minh (dịch bộ “Lịch sử triết học Trung Quốc” của sử gia hàng đầu về triết học Trung Quốc Phùng Hữu Lan.) |
Thuý Mơ (Vietnam+)