Nằm liệt giường vẫn có tên trong danh sách... hoạt động khám bệnh

Sở Y tế TP.HCM phát hiện có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám, chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường, nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách hoạt động khám, chữa bệnh.
Nằm liệt giường vẫn có tên trong danh sách... hoạt động khám bệnh ảnh 1Lãnh đạo Bộ Y tế lắng nghe kiến nghị của các đại biểu khu vực phía Nam. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 29/7, tại Hội nghị tổng kết chín năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu nêu vấn đề cần siết chặt việc cấp chứng chỉ khám, chữa bệnh ở Việt Nam, trong đó có thời hạn chứng chỉ hành nghề y.

Theo đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề y không có thời hạn xác định. Do vậy, đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề thì lại cho thuê chứng chỉ hành nghề của mình.

Qua kiểm tra, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam. Hay có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám, chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường, nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh. Do đó, các đại biểu cho rằng nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng.

Ví dụ, với bác sỹ có thể thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm; điều dưỡng, hộ sinh có thể là 3 năm và được xem xét gia hạn khi vượt qua các kỳ sát hạch sau đó.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay ngoài Việt Nam chỉ còn một vài nước cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn cho nhân viên y tế. Việc không xác định thời hạn khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi đó, thực tế đòi hỏi bác sỹ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể nào, không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y.

[Đề xuất giá giường bệnh tối đa 4 triệu đồng mỗi ngày ở bệnh viện công]

Theo ông Quang, cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc.

Ngoài ra, Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong hai năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

Cũng về vấn đề nhân lực y tế, tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết hiện tại cả nước có 181 cơ sở đào tạo y khoa với nhiều hình thức đào tạo như chính quy tập trung, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, hệ vừa học vừa làm và các chương trình liên kết đào tạo..., phần nào đã đáp ứng nhu cầu của người học cũng như cung ứng nguồn nhân lực cho hệ thống y tế trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngô Quang nhìn nhận công tác đào tạo nhân lực y tế vẫn còn những bất cập như việc mở rộng quy mô đào tạo khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

Nằm liệt giường vẫn có tên trong danh sách... hoạt động khám bệnh ảnh 2Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Hiện nay, vẫn chưa có bộ tiêu chí riêng cho các trường y dược, chưa có sự kiểm định chương trình đào tạo, đào tạo vẫn chưa gắn với nhu cầu của hệ thống y tế.

Chương trình đào tạo cũng chưa phân định rõ giữa đào tạo hàn lâm (thạc sỹ, tiến sỹ) với đào tạo chuyên khoa trong khi ngành y là một ngành khá đặc thù rất cần chú trọng vào đào tạo chuyên khoa...

Ngoài vấn đề đào tạo, quản lý nhân lực y tế, Hội thảo tổng kết chín năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn điểm qua những mặt được, những điểm bất cập trong chín năm thi hành luật.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2009, có hiệu lực thi hành từ năm 2011. Trong chín năm qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã tạo ra hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại các bệnh viện, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, Luật vẫn còn những điều khoản bất hợp lý, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào tháng 1/2020, các đại biểu kiến nghị cần có những bổ sung, sửa đổi nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật khám bệnh, chữa bệnh với các hệ thống pháp luật khác.

Đồng thời, Luật cần quy định rõ hơn các quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; các hành vi nghiêm cấm khi đi khám, chữa bệnh như phá hoại tài sản, hành hung, xúc phạm nhân viên y tế; các quy định chuyên môn kỹ thuật; giải quyết tranh chấp; an ninh bệnh viện.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục