Có tới 4/5 cái tên trong top tăng giá trên sàn HoSE tiếp tục là mã nhỏ với thị giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, trong đó riêng BGM có tuần thứ 2 liên tiếp xếp vị trí á quân.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 26/2 cho thấy, trên sàn HoSE, cổ phiếu ngành khai khoáng là BGM của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang đã có 1 tuần trọn vẹn nhuộm sắc tím.
Tổng mức tăng sau 5 phiên của BGM là 500 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng gần 23%. Nếu tính rộng hơn, BGM đã có liên tiếp 10 phiên tăng kịch trần trong 2 tuần gần đây. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp, mã này xếp vị trí thứ 2 trong nhóm tăng giá.
Theo báo cáo gần đây của BGM, tình hình kinh doanh của công ty trong quý 4 năm 2015 là rất khả quan.
Trong quý 4/2015, doanh thu của công ty đã lên tới gần 49 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014.
Lợi nhuận sau thuế của BGM được thống kê là xấp xỉ 2,3 tỷ đồng. Mức lãi trong cả năm 2015 nhờ vậy lên tới hơn 7 tỷ đồng. Kết quả này khác biệt lớn với năm 2014 khi mức lãi chỉ được tính toán là gần 56 triệu đồng.
Đứng đầu trong nhóm tăng giá tuần qua là VNH của Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật với tỷ lệ tăng giá là hơn 33%.
Theo báo cáo quý 4 năm 2015 của công ty này, doanh thu của VNH thời gian này là không có. Trong khi đó, với các khoản chi phí và giá vốn phải trả, VNH đã lỗ tổng cộng gần 3,4 tỷ đồng. Tính cả năm, công ty đang có lợi nhuận sau thuế là âm khoảng 6,5 tỷ đồng.
Ở phía ngược lại, mã VAF của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần.
Công ty trong ngành sản xuất hóa chất này đã có một tuần chìm sâu trong giảm giá khi mất giá tới 4 phiên và chỉ có 1 phiên duy nhất đi ngang giữa tuần. VAF qua đó đã mất 3.200 đồng/cổ phiếu sau 1 tuần, tương đương tỷ lệ giảm trên 16%.
Báo cáo mới nhất được công bố của VAF năm 2015 cho thấy, mặc dù có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế của VAF lại sụt giảm.
Cụ thể, đơn vị này có mức doanh thu năm 2015 là gần 957 tỷ đồng, cao hơn mức 929 tỷ đồng một năm trước đó. Tuy nhiên, với các khoản chi phí tăng cao đặc biệt là chi phí bán hàng, VAF đã không thể giữ được mức lãi như năm 2014. Kết thúc năm 2015, lợi nhuận sau thuế của công ty được tính toán ở mức trên 65 tỷ đồng, thấp hơn con số trên 85 tỷ đồng năm 2014.
Bên sàn HNX, mã SDC của Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà là cái tên đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá lên tới 52%. Đây là kết quả sau 1 tuần leo dốc liên tiếp của SDC trong đó có tới 4 phiên tăng kịch biên độ.
Tỷ lệ tăng giá lên tới 52% là ít gặp trong những tuần trở lại đây. Không chỉ riêng SDC, nhóm tăng giá trên sàn HNX tuần này có tỷ lệ tăng giá khá cao. Hai mã đứng liền sau SDC là SJE và KSK cũng có biên độ tăng giá lên tới hơn 41%. Trong tuần trước, quán quân nhóm tăng giá chỉ có tỷ lệ tăng hơn 24%.
Với á quân SJE của Công ty cổ phần Sông Đà 11, mã này đã có thêm 12.000 đồng/cổ phiếu sau 5 phiên giao dịch tuần này và hiện có giá là 41.000 đồng/cổ phiếu.
Trong báo cáo gần đây nhất về quý 4 năm 2015 của SJE, lợi nhuận sau thuế của công ty này đã có những biến động đáng kể khi tăng tới 146%. Cụ thể, mức lãi trong quý 4 năm 2015 được ghi nhận là trên 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ một năm trước đó chỉ là trên 26 tỷ đồng.
Nguyên nhân được đại diện SJE chỉ ra là do giá vốn trong quý 4 năm 2015 giảm hơn 77 tỷ đồng (khoảng 18%) so với quý 4 năm 2014. Điều này đã giúp lợi nhuận gộp tăng 26% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ngoài ra, các khoản chi phí khác trong quý 4 năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm 2014 cũng giúp lợi nhuận tăng như: chi phí tài chính giảm 2 tỷ đồng, chí phí quản lý doanh nghiệp giảm 19,4 tỷ đồng.
Mất giá nhiều nhất trên sàn HNX qua là mã TAG của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh.
Với 2 phiên đi ngang và 3 phiên mất giá, TAG đã mất tổng cộng 7.700 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 27%.
Theo báo cáo quý 4 năm 2015 của TAG, doanh thu của công ty này đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm một năm trước đó. Con số này trong quý 4 năm 2015 là khoảng trên 862 tỷ đồng trong khi cùng khoảng thời gian trên năm 2014 chỉ là gần 704 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của TAG trong quý 4 năm 2015 chỉ được ghi nhận ở mức hơn 2,6 tỷ đồng, thấp hơn con số gần 7,7 tỷ đồng của quý 4 năm 2014.
Lý do được lãnh đạo TAG đưa ra là công ty mở thêm các siêu thị mới vào cuối năm 2014 và cuối năm 2015. Tuy nhiên, các siêu thị mới này mới đi vào hoạt động nên doanh thu chưa bù đắp đủ chi phí.
SRB, TPH, SGC và VC1 là những mã đứng sau TAG với mức giảm khoảng 14,72%-21,43%./.