Năm Tỵ, chứng khoán Việt sẽ giành lại điểm đã mất?

Sau ca "đại phẫu" đau đớn trong năm 2012, người ta đang đặt nhiều kỳ vọng vào năm Tỵ 2013 về sự hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán Việt.
Nhà đầu tư mất niềm tin, đó chính là câu chuyện lớn nhất của chứng khoán năm 2013. Liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có mạnh tay để “thay máu” thị trường?

Tháng cuối cùng của năm Rồng, 20 quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán được công bố, khép lại một năm ầm ĩ tin xấu và nghèo nàn tin tốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Phạt dồn
 
Điều đáng nói, không phải chỉ có tháng 12 năm vừa qua mới có nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhận quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà trong suốt năm qua, xử phạt là hoạt động chiếm nhiều thời gian và tâm sức của cơ quan này.

Trong số những tổ chức bị phạt có nhiều nhà đầu tư tổ chức như Công ty quản lý quỹ FPT, Công ty quản lý quỹ Thành Việt, Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng và Đô thị Dầu khí, Công ty chứng khoán Hòa Bình, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp như ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh và nhiều nhà đầu tư cá nhân khác.
 
Vi phạm trên thị trường chứng khoán nhiều đến nỗi, một cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, có doanh nghiệp vừa bị phạt lỗi này, tháng sau lại tiếp tục mắc lỗi khác. Khi nhận quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cảnh báo về việc họ tiếp tục mắc lỗi, doanh nghiệp còn tự nguyện… nộp luôn 100 triệu đồng cho 3 lần phạt để đỡ phải thực hiện các thủ tục nộp phạt từng lần.
 
Sau những “cơn mưa” xử phạt, câu hỏi đặt ra là: có phải những quy định trên thị trường chứng khoán Việt Nam quá rắc rối và cơ quan quản lý thị trường đã có lỗi khi không thường xuyên cập nhật các quy định mới đến các thành viên thị trường? Câu trả lời là không! So với các thị trường trong khu vực, nhiều quy định của Việt Nam được cho là “thoáng,” hàng năm các cuộc tập huấn về quy định mới trên thị trường chứng khoán vẫn được tổ chức đều đều, song doanh nghiệp có quan tâm hay không lại là câu chuyện khác.
 
Khi những đổ vỡ của thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện, nhiều căn bệnh của các công ty chứng khoán cũng bắt đầu bộc phát. Nghiêm trọng và gây mất niềm tin nhất với các nhà đầu tư là tình trạng trục lợi tiền và chứng khoán cũng trên tài khoản của nhà đầu tư, tình trạng mất khả năng thanh toán, tiếp tay cho các hành vi thao túng và làm giá tràn lan trên thị trường với những cái tên như SME, Tràng An, Hà Nội, Hà Thành…
 
Một thời gian dài, cơ quan quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch đã làm ngơ cho tình trạng này, và nay dù có xử phạt thật nặng, mọi việc đã quá sức chịu đựng, công ty chứng khoán bên bờ phá sản, tiền và chứng khoán của nhà đầu tư không được đền bù, mất của, nhà đầu tư mất niềm tin.
 
Cũng không thể không đề cập đến tình trạng hàng hóa kém chất lượng trôi nổi trên 2 sàn. Nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Hanic huy động hơn 300 tỷ đồng của các cổ đông qua sàn chứng khoán. Tiền được góp vốn một cách dễ dãi vào những doanh nghiệp mới thành lập những dự án chưa đủ căn cứ pháp lý và dẫn đến tình trạng có khả năng mất trắng không đòi được.
 
Có những doanh nghiệp báo cáo tài chính đang lỗ ít bỗng trở thành lỗ lớn như Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí. Rồi đến cả những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và cổ đông cũng không biết giờ trụ sở chính của công ty ở đâu. Dễ dãi trong cấp phép, không giám sát tốt chất lượng hàng hóa trên sàn để có cảnh báo kịp thời khiến cho nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu thành mua “trái đắng”, không những cổ phiếu giảm giá xuống 1.000-3.000 đồng mà còn bị xù cả cổ tức từ 1-2 năm trở lại đây. Hàng kém chất lượng, chợ đìu hiu cũng dễ hiểu.
 
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam đã tổng kết nguyên nhân khiến thị trường mất niềm tin là do lực lượng phục vụ thị trường năm qua phạm nhiều khuyết điểm, đẩy thị trường chứng khoán vốn gặp nhiều khó khăn từ tác động vĩ mô càng thêm lao đao. Ngoài ra, năm 2012 ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp niêm yết hoạt động thiếu minh bạch.
 
Sự minh bạch và hồi sức cho doanh nghiệp
 
Sau con sóng kéo dài khoảng hai tháng đầu năm 2012, tháng cuối cùng của năm, thị trường bắt đầu có sóng trở lại, nhưng sự tham gia của các nhà đầu tư vẫn còn rất dè dặt. Mua cổ phiếu rồi nhưng không tin tưởng và chỉ cần một động thái “rút củi” của nhà tạo lập, cả thị trường lập tức ào lên rút chạy theo. Điều đó cho thấy, chừng nào các yếu tố cơ bản từ bối cảnh, môi trường, khâu phục vụ… đều tốt, khi đó niềm tin mới trở lại và thị trường mới có cơ hội phát triển ổn định, thu hút được dòng tiền lớn.
 
Vậy lấy lại niềm tin bắt đầu từ đâu? Trước hết từ các chính sách trực tiếp tác động đến thị trường.

Chiều 8/1, một ngày trước khi diễn ra Hội nghị Triển khai kế hoạch 2013 của ngành chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký 2 quyết định quan trọng, mở biên độ 2 sàn (HSX từ 5 lên 7%, HNX từ 7 lên 10%, chính thức áp dụng từ 15/1) và cho phép nới rộng tỷ lệ ký quỹ 50:50 (có 50% được vay 50%) thay vì 60:40.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho hay, năm 2013, tái cấu trúc các công ty chứng khoán tiếp tục là tâm điểm hành động của cơ quan này. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh hoạt động phân loại và xử lý các công ty chứng khoán vi phạm, nhất là vi phạm về an toàn tài chính, về đảm bảo an toàn tài sản của nhà đầu tư. Từ đó sẽ nâng chuẩn điều kiện hoạt động của công ty chứng khoán. Thông điệp khá rõ ràng, điều các nhà đầu tư cần là sự mạnh tay và quyết liệt của cơ quan quản lý.
 
Cắt bỏ những khối u trên một cơ thể bệnh tật sẽ khiến cơ thể ấy đau đớn, nhưng thực hiện càng sớm, cơ hội khỏi bệnh càng lớn. Bài học về sự cả nể và xuê xoa với các vi phạm của khối công ty chứng khoán để lại hậu quả lớn cho thị trường vẫn còn đó. Khi hoạt động của các công ty chứng khoán minh bạch và tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật chứng khoán, những hành vi như thao túng giá chứng khoán, “đánh” theo đội lái cũng sẽ được giảm thiểu, tạo sự bền vững cho thị trường.

Để lấy lại niềm tin cũng cần thực hiện chuẩn hóa hàng hóa trên thị trường. Với quyền hạn của mình, cơ quan quản lý thị trường sẽ rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp nào quá èo uột không đủ tiêu chuẩn niêm yết sẽ sớm bị loại bỏ. Chỉ khi hoạt động của khối doanh nghiệp niêm yết hiệu quả, ổn định, bền vững, nhà đầu tư mua cổ phiếu mới không phải chịu nhiều bất ổn, mất mát như thời gian qua. Tác động tới sức khỏe doanh nghiệp có nhiều yếu tố, trong đó có môi trường kinh doanh, chính sách vĩ mô, nhưng trước hết bản thân doanh nghiệp phải tốt mới mong trụ vững trong gió bão.
 
Hoạt động giám sát-quản lý doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được tăng cường để việc xử lý, ngăn chặn trước những điều đáng tiếc nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư được kịp thời, bao quát hơn. Những câu chuyện như DVD, SME sẽ được cảnh báo sớm.
 
Để cả doanh nghiệp và nhà đầu tư quay lại với thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng đề cập đến khả năng ban hành những cơ chế mở, sản phẩm mới để các thành viên thị trường tăng cơ hội tìm kiếm lợi ích. Với doanh nghiệp, sẽ có những cơ chế để vận dụng chức năng tạo vốn qua thị trường như cho phép phát hành dưới mệnh giá, tham gia phát hành chứng chỉ đầu tư tại nước ngoài…
 
Con số 10.700 tỷ đồng vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường chứng khoán trong năm 2012 chỉ bằng 1/6 so với năm 2010 là kết quả quá nghèo nàn và gây thất vọng. Với nhà đầu tư, quy định về room đang được xem xét một cách linh hoạt thay vì áp dụng mức cứng nhắc tối đa 49% như hiện nay. Cho phép tăng room bằng cổ phần không có quyền biểu quyết hoặc phân loại doanh nghiệp được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vượt 49% có thể là những giải pháp sớm được xem xét ban hành.
 
Không đi sẽ không đến, nếu không mạnh dạn kiến nghị những giải pháp hỗ trợ thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực này chính là nguyên nhân tạo ra sức ỳ và sự trì trệ lớn nhất trên thị trường vốn./.

(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục