Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ảnh 1Lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xem các ấn phẩm lịch sử, nhân vật lịch sử đã được phát hành. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng phù hợp với từng đối tượng cụ thể, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn; từ đó xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đây là nội dung được ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 5 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18 tháng 1 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng," do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/2.

Ông Nguyễn Hồ Hải cho biết thời gian qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử với tổng số 203 công trình, trong đó, cấp thành phố là 59 công trình, cấp quận, huyện là 32 ấn phẩm, cấp phường, xã, thị trấn là 75 ấn phẩm và 37 ấn phẩm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc.

“Mỗi công trình, ấn phẩm sách đều có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn đáp ứng được mục đích, yêu cầu Chỉ thị số 20 đặt ra,” ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Cùng với việc đẩy nhanh công tác nghiên cứu, biên soạn, thành phố tập trung phát huy giá trị các công trình sách đã xuất bản, qua đó, góp phần giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào đối với truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc và tiếp tục ra sức phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 thời gian qua vẫn còn một số vấn đề cần phải quan tâm khắc phục, nhất là việc bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn lịch sử Đảng còn hạn chế, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nhiều mảng công tác nên chưa tập trung thực hiện công tác lịch sử Đảng.

[Hiểu hơn về lịch sử Đảng qua Triển lãm 'Đảng ta thật là vĩ đại']

Tại một số cơ quan, đơn vị, do nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử ít, lưu trữ còn hạn chế nên chậm triển khai viết lịch sử truyền thống địa phương, đơn vị. Việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với các đối tượng cần tuyên truyền, nhất là đối với thế hệ trẻ chưa được quan tâm đầu tư.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị, cấp ủy từ thành phố đến cơ sở trong lãnh đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị này; đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương.

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ảnh 2Lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong 5 năm qua. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Các cấp ủy chủ động triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, cập nhật kết quả nghiên cứu mới; bổ sung những quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào các công trình nghiên cứu, các chuyên đề chuyên sâu, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới như: chuyên đề về công tác phòng, chống dịch COVID -19, về truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố, về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh...

Ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, một trong những nội dung quan trọng là rà soát, củng cố, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác lịch sử Đảng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lịch sử Đảng; đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, phải tạo sự lôi cuốn, thu hút cho sinh viên, học sinh, tránh tình trạng nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn.

Theo báo cáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị, trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đã được Thành phố và các cấp ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời, triển khai nghiêm túc. Hầu hết các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác lịch sử Đảng hàng năm và có hướng chỉ đạo sâu sát xuống cơ sở trực thuộc. Các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản tăng lên về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng internet. Công tác giáo dục lịch sử Đảng được đẩy mạnh hơn trước, nhiều địa phương đã đưa nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương vào chương trình giảng dạy học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.

Tính đến nay, toàn thành phố có 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và có 281/312 (90%) phường, xã, thị trấn đã biên soạn, xuất bản công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1975 và giai đoạn từ năm 1975 đến những năm gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục