Ngày 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tổ chức hội thảo "Thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiêp" bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm đánh giá, nhận định hiện trạng chung và các vấn đề đặt ra đối với hệ thống kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác Việt Đức với chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết cả hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng đang trong quá trình đổi mới, phát triển để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngày càng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong quá trình hội nhập.
Khi nói đến vấn đề này đều nhắc đến việc làm sao xây dựng được hệ thống giáo dục linh hoạt, thích ứng, bao trùm, tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho người dân. Muốn làm được điều này, một mặt phải tăng số lượng đào tạo nhưng mặt khác phải tăng cường chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
[Đổi mới đào tạo gắn với chuyển đổi số: Nhiều trường nghề bắt nhịp]
Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng xem xét Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Đề án này có nhắc đến nội dung kiểm định, tự đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Muốn nâng cao chất lượng kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đánh giá, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng. “Việc nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý các cấp là điều hết sức quan trọng" - Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình nói.
Kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói riêng hiện đã được quy định trong các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đã kết hợp với các trung tâm kiểm định để đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên.
Thực tế cho thấy vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn là nội dung mới ở Việt Nam. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho biết việc triển khai kiểm định, bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để các trường tự xem xét thấy điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có phương hướng, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng theo nhiều chuyên gia, kiểm định chất lượng là một công cụ hữu hiệu bảo đảm chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả kiểm định cũng là cơ sở giúp các cơ quan quản lý các cấp có chính sách phù hợp để phát triển dạy nghề.
Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng; tăng cường đào tạo, tập huấn về kiểm định viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống thông tin nhằm bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó có thể kết nối thông suốt với hệ thống thông tin quản lý chất lượng quốc gia, nâng cao công tác kiểm định chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp./.