Nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 15/8, tiếp tục Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn về thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nêu rõ công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập.

Việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được.

[Hoàn thiện luật nhằm tăng tính minh bạch trong đấu giá tài sản]

Số liệu thống kê cho thấy từ 1/10/2022-31/7/2023, trong thi hành án dân sự có gần 2.000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật được áp dụng quy định về giao tài sản đấu giá. Còn có các quy định liên quan đến đất đai, quản lý tài sản công... nên hai lĩnh vực này là chưa đủ, mà phải tính đến quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.

Một nguyên nhân khác, qua các vụ việc cụ thể, Bộ trưởng cho rằng có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua, do nhiều yếu tố khác nhau thẩm định ngân hàng đánh giá văn phòng, mảnh đất, cơ sở sản xuất có sát giá không...

Thực tế, tình hình kinh tế-xã hội cả nước trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng.

Trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự. Bộ cũng đã kiến nghị sửa đổi Luật Đấu giá Tài sản và Luật Thi hành Án Dân sự.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng về lâu dài cần sửa đổi Luật Đấu giá Tài sản, Luật Thi hành Án Dân sự, đưa vào một số nội dung có liên quan, các quy định cụ thể để xử lý vấn đề này.

Cùng với đó, cần cố gắng vận hành tốt cơ chế cơ quan Ban Chỉ đạo thi hành án ở các cấp, tạo sự đồng thuận.

Nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường, đấu giá còn xảy ra ép giá, thổi giá; năng lực của đấu giá viên, tổ chức đấu giá còn hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất.

Giá khởi điểm không phải là việc của Luật Đấu giá Tài sản, mà vẫn nằm trong Luật Đất đai. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa trong Luật Đất đai.

Thẳng thắn thừa nhận "tình trạng quân xanh, quân đỏ là có," nhưng "chỉ là ngoại lệ," Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết dự thảo Luật Đấu giá sửa đổi hướng tới siết chặt hơn điều kiện để tham gia đấu giá.

Bộ trưởng cũng nhìn nhận thời gian qua có tình trạng thông đồng, dìm giá.

Trong 5 năm (từ 2018-2022), Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, 1 số trường hợp chuyển cơ quan điều tra truy tố đấu giá viên.

Về định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng Tư pháp cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Có biện pháp tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù. Ngoài ra, sẽ phát triển đấu giá trực tuyến.

Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng chất vấn người đứng đầu ngành tư pháp về việc còn không ít vụ án tham nhũng chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi.

Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động giám định tư pháp chưa được quan tâm; còn tâm lý né tránh, đùn đẩy; thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao...

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.

Trong phiên chất vấn, có 28 vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn với 43 vấn đề, câu hỏi về 3 nhóm vấn đề có liên quan thuộc công tác xây dựng pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác đấu giá tài sản và giám định tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục