Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

Tràn dầu có tính chất liên vùng, xuyên quốc gia, do đó cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ của quốc tế trong công tác phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố và hậu quả tràn dầu trên biển.
Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ảnh 1Diễn tập tình huống giả định ứng phó sự cố tràn dầu trên sông Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 14/8/2009; sơ kết việc thực hiện Quyết định số 1864/QĐ-TTg ngày 21/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách cơ chế vận hành, tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng ứng phó và nâng cao năng lực, trình độ trong chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu xảy ra trên biển Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện các Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đáp ứng các nghĩa vụ, trách nhiệm Việt Nam trong phối hợp với Camphuchia, Thái Lan và Philippines trong công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết, ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu trên biển gây ra đang được coi là vấn đề môi trường xuyên biên giới.

Chính vì vậy để bảo vệ cho tài nguyên môi trường biển và nguồn tài nguyên biển trước những mối đe dọa từ các sự cố tràn dầu trên biển, cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong công tác phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố và hậu quả tràn dầu trên biển.

Cùng với những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1278 cũng bộc lộ những khó khăn, tồn tại hạn chế, như một số dự án, nhiệm vụ thực hiện còn chậm so với tiến độ đề ra; công tác kiện toàn nâng cao năng lực hệ thống giám sát, ứng phó, khắc phụ sự cố tràn dầu trên biển chưa thực sự đủ mạnh như mong muốn; sự phối hợp giữa các bên liên quan trong hoạt động giám sát, đánh giá rủi ro, ứng phó khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển chưa được thực sự chặt chẽ..

Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao Hoàn thiện khung pháp lý về giám sát, đánh giá rủi ro, ứng phó khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển; xây dựng kiện toàn nâng cao năng lực hệ thống giám sát, phát hiện ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu; đào tạo, tập huấn, huấn luyện, diễn tập và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu trên biển; nghiên cứu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ cho ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu; hợp tác quốc tế về ngăn ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu trên biển.

Bộ đã tạo được mối quan hệ cần thiết làm cơ sở cho việc tiếp tục phối hợp giữa các cơ quan liên quan của Việt Nam với lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines, để tiếp tục thực hiện thỏa thuận song phương đã ký, nâng cao hiệu quả thực hiện Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm các cam kết quốc tế đã ký cũng như Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982...

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá tình hình kết quả thực hiện Quyết định số 1278 và Quyết định số 1864 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, qua đó chỉ ra những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện triển khai thực hiện Quyết định này, làm rõ các nguyên nhân đưa ra các giải pháp, kiến nghị đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai trong năm 2016 và giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong khoảng thời gian 20 năm gần đây, hàng năm có khoảng 10 vụ tràn dầu, đặc biệt có những năm có tới 12 vụ tràn dầu như năm 2012, gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng cửa sông và ven biển nước ta.

Do tràn dầu có tính chất xuyên biên giới, liên vùng, liên quốc gia do vậy việc hợp tác quốc tế trong ứng phó sự cố tràn dầu được xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhằm tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ, tài trợ của các nước và các tổ chức quốc tế cho hoạt động này.

Sự giúp đỡ và phối hợp của các tổ chức quốc tế sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho những chương trình, dự án để nâng cao năng lực, kinh nghiệm, trình độ cho lực lượng giám sát, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục