Nâng cao nhận thức sử dụng, cải thiện nguồn nước

Khép lại Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước thứ 10, Ban tổ chức trao 11 giải cá nhân và 2 giải tập thể.
Sáng 9/6, tại Hà Nội, Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ 10.

Buổi lễ trao giải đồng thời kết hợp với việc tổng kết 10 năm cuộc thi, một chặng đường đủ dài để có thể rút ra các bài học cần thiết về sử dụng và nguồn nước cho tương lai.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, cho biết cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước là giải pháp quan trọng để quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên nước, trong điều kiện tài nguyên nước càng trở nên khan hiếm và suy kiệt.

Theo ông Tùng, qua 10 năm tổ chức cuộc thi, đã có trên 30.000 học sinh là tác giả của 12.040 đề án tham gia cuộc thi. Các em đến từ 100 trường ở tất cả các vùng miền trong cả nước, trong đó cuộc thi lần thứ 5 (2007- 2008) có số lượng lớn nhất với 2.762 tác phẩm từ 17 tỉnh, thành phố.

Riêng cuộc thi lần thứ 10 đã có 407 bài dự thi đến từ các trường thuộc 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua nhiều vòng chấm thi, Hội đồng giám khảo đã chọn ra 11 bài thi chất lượng, trao giải cho 11 nhóm cá nhân và 2 giải tập thể.

[Khởi động chương trình thanh niên tiết kiệm nước]

Theo đó, giải nhì (gồm 2 giải) được trao cho nhóm học sinh Bùi Minh Duyên, Lê Thị Thanh Nga, Đinh Ngọc Sơn ( lớp sinh 10 – k24 trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên) với dự án tuyên truyền bảo vệ nguồn nước thông qua giáo dục bằng phim hoạt hình; Dự án “Sử dụng vật liệu đơn giản ở địa phương để hấp thụ chì (Pb2+) trong nước” của các thí sinh: Trương Quốc Sĩ, Nguyễn Công Minh Hoà, Lê Huỳnh Như, lớp 10 và 11 A, trường trung học phổ thông An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

3 giải ba được trao cho nhóm tác giả trường trung học phổ chuyên Lào Cai với đề tài “ xử lí dư lượng ion photphat ở khu công nghiệp Tằng Loòng – Lào Cai bằng bèo lục bình (Eichhornia crassipes) và hoa súng ( Nymphaea rubra); “Xây dựng nhân vật bảo vệ nguồn nước, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường” của thí sinh Lê Viết Phúc, lớp 12, trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, tỉnh Thừa Thiên - Huế; “Bột cám gạo và bột chanh - sự kết hợp độc đáo” của thí sinh Trần Phương Anh, Nhữ Lê Thuỳ Linh, An Trần Anh Tú, lớp 11, trường THPT chuyên Thái Nguyên.

6 giải khuyến khích thuộc về nhóm học sinh Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hà Thu, Hà Trúc Hải, lớp 12A1 trường trung học phổ thông Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với đề tài ứng dụng trang chủ Google vào việc tuyên truyền cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 2 giải tập thể cho trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Thành phố Huế) và trường trung học phổ thông Mộc Lỵ, (thị trấn Mộc Châu, Sơn La).

Đánh giá về chất lượng các bài dự thi năm nay, Giáo sư tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ,  Chủ tịch Hội đồng giáo khảo cuộc thi, cho biết nội dung bài dự thi phong phú và đa dạng từ các đề án liên quan đến công nghệ xử lý nước, dùng thực vật thủy sinh, vi sinh xử lý nước, các giải pháp tiết kiệm điện, đến nâng cao nhận thức cộng đồng. Đặc biệt, bài dự thi năm nay có sự sáng tạo riêng như sử dụng mạng xã hội, lập trình game, thiết kế wesite tuyên truyền bảo vệ và cải thiện nguồn nước.

“Điều đáng mừng là qua 10 lần tổ chức, ngày càng có nhiều bài dự thi theo được ‘chuẩn’ cuộc thi quốc tế đề ra. Đó là những bài dự thi có ý thưởng, sáng kiến, những dự án được thực hiện và trình bày như một công trình khoa học mini,” Giáo sư tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ nhận xét./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục