Nâng cao quản lý Nhà nước với kiểm toán độc lập

Tiếp tục phiên họp thứ 34, chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến vào dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.

Tiếp tục phiên họp thứ 34, chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến vào dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.

Các đại biểu đã tập trung vào các nội dung như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật; quản lý Nhà nước về Kiểm toán độc lập và Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; quy định liên quan đến kiểm toán viên hành nghề; doanh nghiệp kiểm toán; báo cáo kiểm toán; kiểm toán bắt buộc và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán.

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập gồm bảy chương, với 69 điều, quy định các vấn đề về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; hoạt động hành nghề kiểm toán độc lập.

Dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng gồm kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên; doanh nghiệp kiểm toán; đơn vị được kiểm toán; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có tham gia vào hoạt động kiểm toán độc lập trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ quy định của Luật.

Đa số Ủy viên Ủy ban đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập vì trong nền kinh tế thị trường, các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân có lợi ích liên quan luôn đòi hỏi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phải được xác nhận tính trung thực, phù hợp với các chuẩn mực kế toán theo quy định, qua đó đánh giá tính tuân thủ pháp luật, hiệu quả kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đã có nhiều bài học cho thấy rõ vai trò và lợi ích của kiểm toán độc lập có thể mang lại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế chính là tăng cường tính minh bạch, hạn chế những rủi ro đạo đức do không tuân thủ chuẩn mực kế toán, che giấu thông tin, gây nên những tổn thất lớn cho các nhà đầu tư và xã hội.

Do nền kinh tế thị trường còn non trẻ của Việt Nam đang bắt đầu hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu nên đòi hỏi phải xây dựng và phát triển dịch vụ kiểm toán mạnh cả về số lượng và chất lượng để thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện các cam kết thương mại quốc tế.

Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay và đáp ứng nhu cầu phát triển.

Về tên gọi của Luật, các đại biểu thống nhất với tên gọi Luật Kiểm toán độc lập vì như vậy sẽ có tính kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, là thuật ngữ đã sử dụng quen thuộc ở Việt Nam. Tên gọi này cũng giúp phân biệt với Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán nội bộ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng và một số đại biểu đề nghị đưa tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán vào đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để có thể chuyển giao dần cho Hội thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ mà hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang làm như xây dựng và công bố các chuẩn mực kiểm toán độc lập, tổ chức thi và cấp chứng chỉ…

Tuy nhiên, do tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán ở Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển, trước mắt nên để Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên, khi tổ chức này lớn mạnh, sẽ xem xét chuyển giao dần trách nhiệm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị.

Đối với quy định liên quan kiểm toán viên hành nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và một số đại biểu đề nghị chưa cho phép kiểm toán viên được hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán.

Bởi kiểm toán độc lập đòi hỏi kiểm toán viên phải có chuẩn mực đạo đức cao, có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo tính chính xác, tính trung thực, tính tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì vậy, quy định các kiểm toán viên hành nghề chỉ được hành nghề trong các doanh nghiệp là hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan quản lý giám sát chất lượng hoạt động của kiểm toán viên…/.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục