Nâng cao trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ TP.HCM

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sự phối hợp giữa các ngành còn chậm là điểm nghẽn rất lớn của Thành phố cần khắc phục trong năm 2023-năm bản lề của nhiệm kỳ.
Nâng cao trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ TP.HCM ảnh 1Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh hạn chế, tồn tại nổi lên trong năm 2022 là sự phối hợp giữa các ngành còn chậm, cần phải khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023 mang tính bản lề của nhiệm kỳ.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố, tổ chức ngày 20/12, ông Phan Văn Mãi cũng nhận định trong năm 2022, sự phối hợp giữa các ngành, tinh thần trách nhiệm, chất lượng công vụ của các đơn vị có nhiều nỗ lực, tuy nhiên đây cũng là điểm nghẽn rất lớn.

Trong những hạn chế, tồn tại của năm qua nổi lên là sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị vẫn còn chậm; vấn đề kỷ cương hành chính trong chấp hành thực hiện các kết luận chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, chậm trễ trong triển khai các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Hội đồng Nhân dân thành phố. 

[Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X]

“Chúng ta phải xác định vấn đề, trách nhiệm để tìm hướng giải quyết, bởi kết quả năm 2023 rất quan trọng để có thể phấn đấu hoàn thành hoặc hoàn thành cơ bản mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý.

Lý giải một phần nguyên nhân, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, các sở ngành, địa phương có quan tâm quy chế phối hợp, nhưng khi thực hiện còn những khó khăn, vướng mắc.

Khối lượng công việc của thành phố rất lớn, trong khi thời gian lấy ý kiến rất ngắn nên nhiều đơn vị chưa thực hiện được. Một số đơn vị tham mưu khi lấy ý kiến các sở ngành, địa phương đã gửi lấy ý kiến tất cả đơn vị, trong khi có nhiều đơn vị không liên quan, không cần lấy ý kiến. 

Nâng cao trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ TP.HCM ảnh 2Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, thủ trưởng các sở ngành có thể xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương liên quan với nhau để khi triển khai thuận lợi.

Nếu khi thực hiện, các cơ quan không có văn bản trả lời theo đúng thời gian quy định, ảnh hưởng đến tiến độ chung thì đơn vị tham mưu báo cáo về Ủy ban Nhân dân thành phố để xử lý.

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội.”

Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%.

Thành phố phấn đấu 100% thủ tục hành chính công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ (mức độ 4) trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.

Phấn đấu chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn năm 2023 cao hơn so với năm 2022 về xếp loại và xếp hạng.

Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

Để đạt mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ quyết liệt thúc đẩy công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động hành chính, hoạt động công vụ; tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn bị các điều kiện tiến tới điều hành hệ thống chính quyền trên nền tảng số; thực hiện hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong kế hoạch năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 là “dữ liệu số.”

Theo đó, cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ xây dựng đô thị thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, các định hướng trọng tâm sẽ là người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, kết quả đạt được năm 2022 là đáng mừng, rất phấn khởi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa làm được, có những thiếu sót, hạn chế.

Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố phải lường trước khó khăn của năm 2023, tính đến “sức ép” tác động đến thành phố để dự liệu những phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Về mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8%, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mục tiêu cao thì phải phấn đấu đạt được để thành phố phát triển.

Các đơn vị cần có giải pháp đột phá và quyết liệt thực hiện với tinh thần đồng lòng; huy động mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện; chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố phải được cải thiện bằng hành động, bằng thái độ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu. Chỉ số này không tự nhiên cải thiện bằng nghị quyết mà bằng hành động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục