Nắng nóng khiến hồ nước cao nhất thế giới Titicaca dần khô cạn

Chuyên gia khí tượng học Taylor Ward cho biết đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa Đông vừa qua ở Nam Mỹ đã khiến nước hồ Titicaca liên tục bốc hơi, làm trầm trọng thêm tình trạng giảm mực nước do hạn hán.
Nắng nóng khiến hồ nước cao nhất thế giới Titicaca dần khô cạn ảnh 1Các cộng đồng ngư dân đang gặp khó khăn do trữ lượng cá hồ giảm do mực nước hồ xuống thấp, cùng với tình trạng ô nhiễm và đánh bắt quá mức.(Nguồn: CNN)

Mực nước hồ Titicaca, hồ nước cao nhất trên thế giới và lớn nhất Nam Mỹ đủ sâu để tàu thuyền có thể di chuyển, đang giảm nhanh sau đợt nắng nóng bất thường từ tháng 6-8 vốn là mùa Đông ở Nam Mỹ. Lưu lượng nước hồ giảm sâu đang ảnh hưởng đến du lịch, đánh bắt cá và nông nghiệp, những ngành nghề truyền thống của người dân địa phương.

Hồ Titicaca tọa lạc trên dãy núi Andes ở khu vực biên giới Peru và Bolivia, có diện tích khoảng 8.300 km2 và nằm ở độ cao 3.800 m so với mực nước biển. Độ cao này khiến hồ có nguy cơ cao tiếp xúc với bức xạ Mặt Trời, qua đó làm tăng lượng nước bốc hơi - nguyên nhân chính gây thất thoát lượng nước hồ.

Chuyên gia khí tượng học Taylor Ward tại hãng tin CNN (Mỹ) cho biết đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa Đông vừa qua ở Nam Mỹ đã khiến nước hồ Titicaca liên tục bốc hơi, làm trầm trọng thêm tình trạng giảm mực nước do hạn hán.

Trong khi đó, quan chức cấp cao của Cơ quan Khí tượng và thủy văn quốc gia Peru (Senamhi)  phụ trách vùng Puno, ông Sixto Flores, cho hay lượng mưa ở khu vực hồ Titicaca từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 - bao gồm cả những tháng mùa mưa, thấp hơn 49% so với mức trung bình cùng giai đoạn các năm trước.

Ông Flores cảnh báo nếu nước hồ Titicaca tiếp tục bốc hơi với tốc độ như hiện nay, đến tháng 12 tới, mực nước hồ này sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996. Dữ liệu vệ tinh thu thập trong giai đoạn 1992-2020 cho thấy hồ Titicaca thất thoát khoảng 120 triệu m3 nước mỗi năm, nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi lượng mưa và dòng chảy.

Phó Giám đốc Senamhi phụ trách khí hậu học, bà Grinia Avalos, cho biết thời tiết Nam Mỹ dự báo sẽ tiếp tục xu hướng nóng lên cho đến ít nhất là tháng 2/2024, khiến lượng mưa ở vùng núi Andes giảm mạnh.

[Tây Ban Nha giải cứu cá khỏi dòng sông khô cạn do hạn hán]

Được ví như “biển nội địa”, hồ Titicaca là nơi sinh sống của các cộng đồng bản địa Aymara, Quechua và Uros. Ước tính hơn 3 triệu người sinh sống quanh hồ, khai thác hồ để đánh cá, trồng trọt và làm du lịch. Các cộng đồng ngư dân đang gặp khó khăn do trữ lượng cá hồ giảm do mực nước hồ xuống thấp, cùng với tình trạng ô nhiễm và đánh bắt quá mức.

Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do hạn hán, với sản lượng hạt diêm mạch (quinoa) và khoai tây - 2 nông sản chủ lực của địa phương, đều giảm mạnh. Trong khi đó, ngành du lịch gặp khó do tàu thuyền chở khách du lịch không hoạt động được khi mực nước hồ thấp.

Vùng Puno là một trong những vùng kém phát triển của Peru. Trong những năm qua, nền kinh tế địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 và tình trạng bất ổn trong xã hội.

Chuyên gia phân tích Connor Baker tại Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng cần có kế hoạch hành động dài hạn để bảo vệ những người phụ thuộc vào hồ Titicaca để mưu sinh.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chiến lược bền vững để giải quyết những thách thức đối với các cộng đồng địa phương dễ bị tổn thương này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục