Nâng sức mạnh trong nước, giảm thị trường Trung Quốc

Các đại biểu cho rằng, kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2013 đến nay nhưng do biến động tại Biển Đông nên cần phải chủ động tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu.

Ngày 2/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu cơ bản nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, các đại biểu đều bày tỏ sự bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các đại biểu đề nghị Chính phủ có biện pháp hữu hiệu nâng cao sức mạnh kinh tế trong nước, thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế, nguồn nguyên liệu cũng như phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cần xây dựng chương trình đồng bộ

(đại biểu Vũ Viết Ngoạn, đoàn Khánh Hòa)

Về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhìn lại một chuỗi thời gian từ năm 2011, 2012, 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, có thể nhận định là nền tảng vĩ mô đã được củng cố và ngày càng ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2013 và tiếp tục xu hướng đó trong 5 tháng đầu năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính theo tháng có xu hướng tăng từ tháng 8/2013, 5 tháng qua tăng 5,6%, so với cùng kỳ tăng 4,9%. Đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 7,5%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hai là động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực FDI và chủ yếu từ xuất khẩu, nếu không điều chỉnh thì về lâu dài khó có thể đảm bảo được mục tiêu phát triển ổn định.

Theo tôi, cần đẩy nhanh và hiện thực hóa các chính sách đã ban hành, bổ sung, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ xúc tiến đầu tư, thương mại và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thứ hai, đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và ổn định. Về lâu dài cùng với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần xây dựng một chương trình đồng bộ để phát triển mạnh hơn nữa thị trường nội địa và thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Vấn đề biển Đông, nhờ có chính nghĩa và có giải pháp được triển khai kịp thời và hợp lý đó chúng ta đã chiếm được cảm tình và ủng hộ mạnh mẽ của các nước tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tiếp tục giữ được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

Chủ động tìm kiếm thị trường

(đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Thành phố Đà Nẵng)

Các giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2014 thông qua Nghị quyết số 01, số 02 đều hướng vào mục tiêu phục hồi khu vực kinh tế trong nước, giải quyết sức mua của thị trường, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, "làm ấm" thị trường bất động sản và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên trong nước (nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm công nghệ cao).

Tuy nhiên, sau 5 tháng thực hiện cho thấy tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn yếu, những nỗ lực để tăng tổng cầu mang lại kết quả rất hạn chế, tín dụng không tăng đáng kể, đầu tư công giải ngân chậm, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, thị trường chứng khoán biến động thất thường, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, tái cơ cấu nền kinh tế chưa có kết quả rõ rệt, đặc biệt niềm tin của thị trường chưa phục hồi.

Bên cạnh đó, sự bất ổn tình hình Biển Đông trong những ngày gần đây đang tác động bất lợi về tâm lý thị trường. Trong bối cảnh này, Chính phủ cần có quyết sách và biện pháp mạnh mẽ hơn để tăng tổng cầu, nền kinh tế theo cách triệt để dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều kiện lạm phát thấp.

Theo tôi, Chính phủ cần có biện pháp chủ động trong tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu, đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép, phong tỏa nền kinh tế để buộc Việt Nam phải nhượng bộ. Có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng nợ đến hạn của các ngân hàng thương mại, dù có thị trường nhưng khó tiếp cận vốn vay tín dụng.

Bên cạnh đó, cần củng cố niềm tin thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Trong lúc ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp thiếu vốn là một nghịch lý đáng báo động. Những vấn đề này cần được Chính phủ chỉ đạo sát sao quyết liệt thì môi trường đầu tư sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp mới chủ động trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào người Việt dùng hàng Việt.

Ngoài ra, chú trọng giải quyết nhanh và hiệu quả vấn đề nợ xấu, để giải quyết nợ xấu cho các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc bằng các Hiệp định thương mại tự do (đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam)

Kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên thế giới, trong đó trước hết phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

Các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế hiện nay về nguồn cung ứng "đầu vào" cho sản xuất trong ngành dệt may một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50-60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điệt do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới.

Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, từ EU, từ Nhật Bản, từ Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga, Ucraina và các nền kinh tế khác. Máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc. Đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu "đầu vào" trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

Về "đầu ra" của nền kinh tế, theo số liệu chính thức Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Theo tôi, dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không thể không mua sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất của thế giới và không bán hàng sang thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta vẫn cần khẳng định rằng sự lệ thuộc, phụ thuộc lẫn nhau là tất yếu và việc duy trì quan hệ thương mại bình thường ổn định giữa Việt Nam và Trung Quốc là cần thiết vì lợi ích lâu dài của cả hai bên. Chúng ta sẽ tiếp tục lên án và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta.

Nhưng cũng khẳng định rằng mọi động thái bài xích, kỳ thị hay phá hoại hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai bên sẽ là thất sách, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục