NATO không kích thủ đô Tripoli tuần thứ 3 liên tiếp

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy 5 tiếng nổ lớn khi máy bay chiến đấu của NATO quần đảo trên bầu trời thủ đô Tripoli của Libya.
Ngày 5/6, các máy bay của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục không kích thủ đô Tripoli của Libya tuần thứ ba liên tiếp.

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy 5 tiếng nổ lớn vào lúc 21 giờ, giờ địa phương (tức 4 giờ sáng 6/6 giờ Hà Nội), khi máy bay chiến đấu của NATO quần đảo trên bầu trời thủ đô Tripoli.

Trước đó, trưa cùng ngày, người ta cũng nghe thấy 4 tiếng nổ ở Tajura, khu vực ngoại ô thủ đô thường bị NATO không kích kể từ khi tổ chức này tiếp quản chiến dịch tại Libya ngày 31/3.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague đã tới Benghazi gặp các thủ lĩnh lực lượng chống đối sau khi NATO lần đầu tiên huy động máy bay trực thăng tới tham chiến tại Libya.

Ông Hague thừa nhận rằng chiến dịch của NATO đang "được tăng cường" và chưa biết khi nào kết thúc, có thể trong vài ngày, vài tháng nữa hoặc kéo dài đến cuối năm nay. Ông biện hộ cho việc sử dụng máy bay trực thăng, song loại trừ việc đưa các lực lượng bộ binh tới Libya.

Trong khi đó, Nga bày tỏ lo ngại rằng các chiến dịch của liên quân đang chuyển dần sang chiến tranh trên bộ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích việc Anh và Pháp đem máy bay trực thăng tới tham chiến, đồng thời kêu gọi một giải pháp cho cuộc xung đột này thông qua đàm phán.

Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov cũng cho rằng việc sử dụng máy bay trực thăng là vi phạm nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm thiết lập vùng cấm bay tại Libya.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane ngày 5/6 đã có cuộc điện đàm về tình hình Libya. Hai bên nhất trí rằng tình hình Libya nên được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và đối thoại. Trung Quốc bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Nam Phi và Liên minh châu Phi (AU) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Libya.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Algeria Karim Djoudi đã ra lệnh phong tỏa tài sản của các quan chức và công ty Libya.

Trong một chỉ thị mật, ông Djoudi đã yêu cầu các thể chế tài chính của Angiêri phong tỏa mọi hoạt động, như chuyển vốn và giao dịch bất động sản, cũng như tất cả các vụ chuyển sở hữu của các thành viên Chính phủ Libya.

Giải thích động thái mới này của Chính phủ Algeria, Bộ trưởng Djoudi nói rằng Algeria thực hiện theo tinh thần nghị quyết của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục