NATO tuyên bố phản ứng thận trọng sau khi INF chính thức bị thủ tiêu

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh NATO phải đảm bảo rằng sau sự sụp đổ của Hiệp ước INF, khối này cần duy trì khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy, đồng thời sẽ làm những gì cần thiết.
NATO tuyên bố phản ứng thận trọng sau khi INF chính thức bị thủ tiêu ảnh 1Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị cho sự chấm hết của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và dự định sẽ ứng phó với tình hình theo cách "thận trọng."

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), trả lời báo giới ngày 31/7, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định khối quân sự này sẽ phản ứng theo cách phòng thủ, phối hợp và thận trọng.

NATO đã xem xét các lựa chọn truyền thống, chú trọng đến phòng không và chống tên lửa, cải thiện công tác tình báo, thực hiện các cuộc tập trận và đưa ra các sáng kiến mới trong kiểm soát vũ khí...

Tổng Thư ký  NATO Stoltenberg nhấn mạnh NATO phải đảm bảo rằng sau sự sụp đổ của Hiệp ước INF, khối này cần duy trì khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy, đồng thời sẽ làm những gì cần thiết. Ông nói thêm rằng một mặt, NATO đang kêu gọi Nga quay trở lại tuân thủ để cứu hiệp ước, nhưng mặt khác, các nước thành viên cũng đang chuẩn bị cho một thế giới không có INF.

[Pháp đề xuất 12 giải pháp tăng cường lĩnh vực quốc phòng châu Âu]

Trước đó cùng ngày, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã xác nhận Mỹ sẽ chính thức rút khỏi INF vào ngày 2/8.

Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước INF. Mỹ từng tuyên bố Nga đã thử nghiệm và triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729, cho rằng loại tên lửa này có tầm bắn hơn 500km, trái với quy định của hiệp ước.

Nga đã bác bỏ các cáo buộc trên và cho biết hệ thống phòng thủ Aegis Ashore MK-41 của Mỹ có thể được sử dụng để phóng các tên lửa hành trình với tầm khoảng cách bị cấm.

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Mỹ đã đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2/2 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng.

Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước. Sau đó, ngày 3/7 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục