Nền kinh tế các khu vực của Nga có thể bị phân hóa trong thời gian tới

Tổng Kiểm toán Liên bang Nga cho biết nền kinh tế các khu vực của Nga sẽ bị phân hóa trong thời gian tới do sự phá vỡ chuỗi cung ứng, chi phí hàng hóa tăng và xuất khẩu giảm.
Nền kinh tế các khu vực của Nga có thể bị phân hóa trong thời gian tới ảnh 1Đồng ruble của Nga tại thủ đô Moskva, ngày 24/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) ngày 27/4, Tổng Kiểm toán Liên bang Nga Alexei Kudrin chỉ ra hàng loạt khó khăn đối với Nga trong thời gian tới.

Ông cho rằng nền kinh tế các khu vực của Nga sẽ bị phân hóa trong thời gian tới do sự phá vỡ chuỗi cung ứng, chi phí hàng hóa tăng và xuất khẩu giảm.

Quan chức này dự báo những hiện tượng khủng hoảng đang tồn tại trong nền kinh tế Nga có thể kéo dài từ một năm rưỡi đến hai năm, do đó người Nga sẽ sống trong hoàn cảnh rất khó khăn.

Ông Kudrin nói: “Những bất ổn là rất lớn. Cuộc khủng hoảng này lớn hơn cuộc khủng hoảng năm 2009, lớn hơn cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19. Tất cả chúng ta cần cảm thấy rằng chúng ta đã đạt đến một giới hạn mới. Hiện nay, cuối năm và năm sau, tức là gần một năm rưỡi đến hai năm nữa, chúng ta sẽ sống trong một hoàn cảnh rất khó khăn.”

[Các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể cản bước "cỗ xe tăng Nga"?]

Người đứng đầu cơ quan kiểm toán Nga lưu ý rằng nền kinh tế các khu vực của Nga sẽ bị phân hóa trong thời gian tới do áp lực trừng phạt.

Đề cập đến các ước tính sơ bộ của Bộ Phát triển Kinh tế, ông Kudrin nói thêm rằng mức giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm nay sẽ từ 8,8% đến 12,4% với lạm phát khoảng 20,7%.

Ông Kudrin cho biết tất cả các khoản thu từ dầu khí bổ sung của ngân sách Nga trong năm 2022 với số tiền 6.300 tỷ ruble (khoảng 84,71 tỷ USD) sẽ được chi để hỗ trợ nền kinh tế, kể từ khi chính phủ bỏ quy định ngân sách trong năm nay. Ngoài ra, Quỹ phúc lợi quốc gia cũng sẽ được chi tiêu để trả nợ một số khoản vay hạn chế.

Về hoạt động giao dịch ngoại thương, ông Alexei Kudrin cho rằng không thể chuyển tất cả hoạt động thanh toán ngoại thương sang đồng nội tệ, vì hiện nay đồng ruble đã mất vị thế của một đồng tiền tự do chuyển đổi. Do đó, việc thanh toán bằng đồng nội tệ chỉ phù hợp với các đối tác có cùng quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục