Một năm sau trận động đất kinh hoàng 7,9 độ Richter, ngày 25/4, Chính phủ Nepal đã bắt đầu tái thiết nhiều di sản văn hóa bị phá hủy hoặc hư hại do thảm họa này.
Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli đã thực hiện nghi thức đặt nền móng để khởi công tái thiết công trình Đền Anantapur tại khu Swayambhunath Stupa, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là một Di sản Thế giới.
Nằm ở trung tâm thủ đô Kathmandu, ngôi đền này đón hàng nghìn du khách mỗi năm, song đã bị san phẳng trong trận động đất ngày 25/4 năm ngoái.
Bên cạnh đó, công tác tái thiết cũng bắt đầu tại 4 công trình tưởng niệm khác, trong đó có một ngôi đền ở thị trấn nổi tiếng Bhaktapur và hai sảnh đường từng được dùng để tổ chức các nghi lễ hoàng gia.
Trong khi công cuộc tái thiết vừa bắt đầu tại một số đền, trong đó có khu Changu Narayan được xây dựng từ thế kỷ 5, giới chức Nepal cho biết sẽ mất nhiều năm trước khi có thể phục hồi hoàn toàn các công trình kiến trúc.
Tổng cộng 741 công trình kiến trúc cổ, trong đó có các đền, tháp và cung điện đã bị phá hủy hoặc hư hại trong các trận động đất dữ dội ngày 25/4 và ngày 12/5 năm ngoái.
Các quảng trường Basantapur, Patan và Bhaktapur Durbar, cũng như các ngôi đền Swoyambhunath, Bouddhanath và Pashupatinath đã bị hư hại nghiêm trọng trong các trận động đất.
Hồi giữa tháng 6/2015, Chính phủ Nepal đã mở lại các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại Kathmandu.
Trong hai ngày 24 và 25/4, Nepal đã tổ chức lễ tưởng niệm một năm xảy ra trận động đất với nhiều chương trình.
Buổi lễ diễn ra tại khu đền Swayambhunath đúng một năm sau trận động đất, dù lễ tưởng niệm chính các nạn nhân đã được tổ chức ngày 24/4, ngày tưởng niệm theo lịch của Nepal.
Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari đã có chuyến thăm tới làng Barpak của huyện Gorkha, tâm chấn của trận động đất, trong khi Thủ tướng Oli gặp gỡ các nạn nhân trong trận động đất tại huyện Sindhupalchowk.
Trận động đất cách đây một năm đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, khiến 22.000 người bị thương và phá hủy hơn 900.000 ngôi nhà.
Cho đến nay còn khoảng 4 triệu người vẫn đang phải sống trong các khu lều tạm do động đất đã san phẳng nhà cửa của họ.
Người dân địa phương cho biết họ phải cầu nguyện trong các túp lều dựng tạm vì tu viện và các ngôi chùa ở đây đều đã bị phá hủy./.