Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, một thời gian ngắn sau khi TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, toàn bộ mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế xuống còn 0%. Như vậy, lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm-mặt hàng của ngành chăn nuôi là rất lớn.
Tuy nhiên, đã vào sân chơi chung thì "anh nào mạnh anh đó thắng." Vì thế, Việt Nam sẽ rất khó tiến sâu vào cuộc chơi lớn này nếu cứ duy trì cách quản lý chất lượng sản phẩm kém, nhất là chăn nuôi hộ, quy mô nhỏ lẻ, thiếu cạnh tranh.
- Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TPP là một cơ hội rất lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là tiêu thụ nông sản hàng hóa. Ông có thể nói rõ những cơ hội và thách thức của ngành khi bước vào “sân chơi” này?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Việt Nam có trình độ thấp so với 11 quốc gia còn lại. Với ngành nông nghiệp, cơ hội lớn là sẽ có thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, trong đó có những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Những thị trường này sẽ giúp chúng ta có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc.
Điều đáng quan tâm là, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế còn 0% và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ mặt hàng sẽ còn 0%. Rõ ràng, lợi thế cạnh tranh ở “sân chơi” này rất lớn, trong đó có mặt hàng Việt Nam sẽ duy trì lợi thế tốt như thủy sản và đồ gỗ (39% đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, 19% là vào thị trường Nhật...).
Bên cạnh đó, khi thông thương thế này sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia tăng cường đầu tư vào nước ta. Tuy nhiên, đã bước vào sân chơi chung thì anh nào mạnh anh đó thắng. Trong cuộc chơi lớn này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu cứ duy trì cách quản lý chất lượng sản phẩm kém, nhất là chăn nuôi hộ, quy mô nhỏ lẻ sẽ rất khó cạnh tranh.
Nhìn vào thực tế sản xuất chăn nuôi có thể nói, bây giờ gia nhập TPP, từng hộ nông dân sẽ không thể giải quyết được gì, mà phải có sự quản lý của Nhà nước và có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn là cơ hội, nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, liên kết được người dân và doanh nghiệp thì chúng ta sẽ tiêu thụ được nhiều các mặt hàng nông sản với mức giá tốt hơn.
- Vậy, để tiến sâu vào TPP, ngành nông nghiệp buộc phải thay đổi như thế nào để có thể đảm bảo việc cạnh tranh với mộng số lượng hàng hóa “khổng lồ” từ các nước đổ vào Việt Nam?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Phải nói một cách tổng quát là, đã tham gia cuộc chơi thì chúng ta không bao giờ thắng và không bao giờ chúng ta thua cả. Vấn đề là chúng ta xác định những mặt hàng, những khu vực mà chúng ta có lợi thế thì chúng ta phát triển nó lên, còn những mặt hàng mà chúng ta thấy rằng chưa có điều kiện thì đương nhiên phải mở cửa để cho các bạn vào. Điều này buộc chúng ta phải có những điều chỉnh linh hoạt.
Tôi vẫn nói rằng lĩnh vực chăn nuôi sẽ là lĩnh vực thử thách đầu tiên khi hội nhập TPP. Việt Nam cũng từng nhập bò của Australia rất nhiều, tới đây xu hướng này không chỉ bò Australia, bò Newzealand mà ngay cả bò Mỹ. Nếu như họ vẫn là giá rẻ, vẫn là chất lượng tốt hơn mà chúng ta không cải tiến được thì đương nhiên theo cơ chế thị trường, hàng của các nước sẽ thâm nhập vào và chúng ta sẽ phải thu nhỏ.
Thế nhưng đối với các mặt hàng bò này, chúng ta đã có những điều chỉnh từ trước khi mời các doanh nghiệp lớn, ví dụ như TH True milk, Hoàng Anh Gia Lai... chúng ta sẽ giữ được thị trường, chất lượng, giá cả. Và như thế, một số lĩnh vực chăn nuôi sẽ phải điều chỉnh, nhất là chăn nuôi quy mô hộ. Còn hiện nay ngành chăn nuôi chúng ta vừa có giá thành cao, chất lượng kém, nếu cứ tiếp tục duy trì như thế này thì không thể cạnh tranh nổi.
- Đặt trong bối cảnh hội nhập, khi mà phần lớn người dân chưa hiểu nhiều về TPP, thì Nhà nước cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có hướng hỗ trợ như thế nào?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng vậy! Tôi cho rằng không chỉ người dân đâu mà ngay cả cán bộ cũng có nhiều người chưa thật hiểu sâu sắc về TPP. Dù là Hiệp định thương mại, nhưng nó có rất nhiều danh mục, dịch vụ, hàng hóa và rất nhiều cam kết về thuế. TPP cũng được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới cho Việt Nam, buộc chúng ta phải đổi mới, cải tổ mạnh mẽ từ thể chế, kinh tế, luật pháp đến hệ thống doanh nghiệp.
Bước đầu mở cửa thị trường, chúng ta cần phải tuyên truyền vận động sâu rộng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người có cơ hội, hiểu dễ nhất, nắm rõ về TPP. Và, mỗi ngành, địa phương cũng phải có chiến lược, bước đi bằng các kế hoạch cụ thể, tùy từng lĩnh vực để chúng ta thích ứng với những biến đổi này khi gia nhập TPP.
Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi cũng đã cử cán bộ cùng tham gia, cũng đặt vấn đề chúng ta phải làm như thế nào trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp. Rất nhiều vấn đề sẽ phải thay đổi về hướng đi, chương trình hành động để trụ vững, cạnh tranh tốt với các nước vì ngành chăn nuôi của những nước còn lại cao hơn chúng ta về trình độ, quy mô, máy móc.
Ngành nông nghiệp cũng đã xác định sẽ sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và buộc phải sản xuất sản phẩm sạch, an toàn hơn nữa và hạn chế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành chăn nuôi./.