Cuộc đối thoại thực chất về vấn đề ổn định chiến lược giữa Moskva và Washington vẫn có thể diễn ra nếu Mỹ sẵn sàng tôn trọng lợi ích an ninh của Nga.
Tuyên bố này được Vụ trưởng Vụ Các vấn đề không phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Yermakov khẳng định về nguyên tắc, Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại và cuộc đàm phán thực sự chỉ có thể thực hiện được nếu đối tác thiện chí.
Vì vậy, ông cho rằng Mỹ cần sẵn sàng cho cuộc đối thoại nghiêm túc dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và trên cơ sở tôn trọng lợi ích của Nga, cũng như đảm bảo không vượt qua "lằn ranh đỏ" trong lĩnh vực an ninh.
Trước đó, trao đổi với hãng tin Sputnik, Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moskva, bà Elizabeth Rood khẳng định Washington cam kết kiểm soát vũ khí và đang chờ cơ hội nối lại đối thoại với Moskva về ổn định chiến lược, vốn bị gián đoạn do tình hình Ukraine.
[Nga khẳng định hiệp ước hạt nhân với Mỹ vẫn có hiệu lực]
Hôm 28/11, Bộ Ngoại giao Nga thông báo hoãn cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa nước này và Mỹ, được dự kiến diễn ra từ ngày 29/11 đến 6/12 tại Cairo (Ai Cập).
Cuộc họp này được lên kế hoạch nhằm thảo luận về việc nối lại các hoạt động thanh sát trong khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), vốn bị đình chỉ hồi tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19.
Được ký kết năm 2010, thỏa thuận New START sẽ hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai, giảm gần 30% so với mức được đặt ra hồi năm 2002.
Đến tháng 1/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Cho đến nay, Moskva và Washington cho phép lẫn nhau mỗi năm được thực hiện dưới 20 lần thanh sát trong khuôn khổ New START./.