Ngã rẽ khó chọn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Cùng với việc quan hệ hai cường quốc Mỹ-Trung đóng băng nhanh chóng, hiện có quan điểm bi quan cho rằng dường như một thế trận Chiến tranh Lạnh mới đang được hình thành xoay quanh hai cường quốc này.
Ngã rẽ khó chọn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: globaltimes.cn)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, kể từ cuộc “đấu khẩu nảy lửa” tại Alaska đến nay, quan hệ Mỹ-Trung dường như tiếp tục tuột dốc tồi tệ hơn.

Trong một động thái hiếm thấy Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada cùng trong ngày 23/3 đã ra tuyên bố thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc có liên quan đến vấn đề Tân Cương, đồng thời nhận được tuyên bố ủng hộ của Australia và New Zealand.

Không kém cạnh, 17 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran đã thành lập liên minh bảo vệ “Hiến chương Liên hợp quốc,” phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và thực hiện các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Cùng với việc quan hệ hai cường quốc Mỹ-Trung đóng băng nhanh chóng, hiện có quan điểm bi quan cho rằng dường như một thế trận Chiến tranh Lạnh mới đang được hình thành xoay quanh hai cường quốc này.

Chắc chắn quan hệ Mỹ-Trung đang đối diện với sự lựa chọn khó khăn như đang đứng trước ngã ba đường, triển vọng của mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính xây dựng dường như ngày càng u ám, hơn nữa khả năng trượt vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng dường như rõ ràng hơn.

[Mỹ đang "lầm đường lạc lối" trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc?]

Trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao đầu tiên của chính phủ mới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã giải thích định tính quan hệ Mỹ-Trung chủ yếu là mang tính cạnh tranh.

Do đó, việc giải thích “tính cạnh tranh” có ý nghĩa then chốt đối với việc nắm chắc tinh thần cơ bản của quan hệ hai nước.

Trước tiên, theo giải thích của Mỹ, quan hệ “mang tính cạnh tranh” là định tính chứ không phải “mang tính đối kháng,” về mặt nguyên tắc đã loại trừ khả năng tái diễn một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu cũ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hiện nay, quan hệ hai nước khác xa so với quan hệ Mỹ-Xô trước đây, điều này là do Trung Quốc không giống Liên Xô.

Sự phát triển của Trung Quốc không phải đạt được từ hệ thống trong nước mang tính tự cung tự cấp theo hình thức cô lập, mà đạt được trong hệ thống quốc tế theo hình thức mở cửa và phân công, là thành tựu kinh tế đạt được thông qua chuyển đổi thị trường hóa và mở cửa thành công.

Điều này đã xác định con đường phát triển của Trung Quốc: Trung Quốc sẽ không từ chối thế giới, mà sẽ tiếp tục bao trùm thế giới.

Tuy nhiên, việc loại trừ khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh kiểu cũ Mỹ-Xô chỉ xóa bỏ khả năng xấu nhất trong phát triển của quan hệ Mỹ-Trung, và triển vọng quan hệ hai nước vẫn được quyết định bởi việc giải thích nội hàm của “tính cạnh tranh.”

Nội hàm của “tính cạnh tranh” có hai cách hiểu lần lượt dẫn đến hai triển vọng hoàn toàn khác nhau cho quan hệ Mỹ-Trung.

Một là “tính cạnh tranh” về hai mô hình của hai nước. Hai là tính cạnh tranh về hiệu quả quản trị của hai nước.

Trọng tâm đề cập của hai vấn đề có sự khác nhau về phương hướng: cạnh tranh về mô hình là trên bình diện quốc tế, tập trung vào sức ảnh hưởng quốc tế và thậm chí là cạnh trạnh quyền lãnh đạo quốc tế của hai hệ thống chính trị Mỹ và Trung Quốc.

Cạnh tranh về hiệu quả quản trị là ở bình diện trong nước, chủ yếu tập trung vào việc cạnh tranh hiệu quả quản trị trong nước của hai hệ thống chính trị Mỹ và Trung Quốc.

Bình diện quốc tế và trong nước dẫn đến hai “triển vọng cạnh tranh” trong quan hệ Trung-Mỹ: trò chơi có tổng bằng 0 về quyền thống trị hệ thống toàn cầu và cạnh tranh lành mạnh tập trung vào các vấn đề trong nước có thể dẫn đến kết quả tích cực.

“Tư duy đến sau” và “tư duy kiểu mẫu”

Những năm gần đây, quan hệ Mỹ-Trung đã trải qua thời kỳ trăng mật ngắn ngủi sau khủng hoảng tài chính, từng bước thụt lùi và thậm chí đóng băng nhanh chóng trong hai năm qua, về bản chất một phần là do tư duy rập khuôn khác nhau của hai nước.

Hai kiểu tư duy rập khuôn này không chỉ khiến cho cấu trúc quan hệ song phương xấu đi từng bước, hơn nữa còn ngăn cản sự phát triển của từng bên ở các mức độ khác nhau: điều này được thể hiện ở Trung Quốc là “tư duy đến sau” và ở Mỹ là “tư duy kiểu mẫu."

Cái gọi là “tư duy đến sau," chủ yếu chỉ thói quen suy nghĩ Trung Quốc là quốc gia phát triển đi sau.

Quốc gia phát triển đi sau rút kinh nghiệm lịch sử của các nước phát triển để giảm thiểu “chi phí thử nghiệm,” tạo nên ưu thế đi sau của mình.

Nếu sự phát triển của quốc gia phát triển đi sau và quốc gia mục tiêu bước vào giai đoạn giằng co thì sẽ tạo nên “tư duy đến sau”: Một mặt, do chưa trải qua “thử nghiệm” nên xã hội các nước phát triển đi sau thiếu sự trải nghiệm cần thiết, không thể giải quyết tâm lý nóng vội tập thể gây nên từ tăng trưởng tốc độ cao.

Mặt khác, các nước phát triển đi sau có ý thức phương hướng rõ ràng trong thời kỳ quá độ, một khi bước vào giai đoạn ngang hàng, ý thức phương hướng có được khi “so sánh với nước khác” này sẽ chuyển thành sự tự tin “vượt trội nước khác về hiệu quả."

Hệ lụy là gây ra sự mù quáng và nóng vội của các quốc gia phát triển đi sau. Sự mù quáng và nóng vội này cộng thêm việc đối chiếu lịch sử cổ đại huy hoàng và lịch sử cận đại đầy sỉ nhục của Trung Quốc đã cộng hưởng tạo ra lòng tự tôn dân tộc, rất dễ dàng chuyển thành “sự thiếu kiên nhẫn."

Cái gọi là “tư duy kiểu mẫu” là do thói quen suy nghĩ tạo nên từ vị trí thống lĩnh lâu dài của Mỹ trong hệ thống toàn cầu. Do vị trí thống lĩnh lâu dài, tất cả sự tự tin thậm chí sự tự phụ về đạo đức của Mỹ đều được phản ánh trong lĩnh vực ngoại giao, hơn nữa lấy đó làm gương tham chiếu cho tư duy suy nghĩ và đạo đức của các nước khác để thể hiện sự tự tin cao độ và vai trò kiểu mẫu đối với con đường phát triển của mình.

Chắc chắn “tư duy kiểu mẫu” này khiến cho chính sách ngoại giao của Mỹ ôm đồm quá nhiều “gánh nặng đạo đức”, bóp nghẹt sự đánh giá tỉnh táo của Mỹ về tính hợp lý của các mô hình phát triển khác.

Chẳng hạn như khi Mỹ đánh giá tính hợp lý về mục tiêu và hành động của Trung Quốc, họ định vị Trung Quốc là “kẻ xét lại” và “đe dọa,” không cân nhắc đến tính hợp lý lịch sử và tính hợp lý về bối cảnh trong nước của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khi đánh giá về hành vi của Trung Quốc, họ cũng không xác định rõ “tính thách thức” của hành vi Trung Quốc xuất phát từ sự chủ động có ý đồ hay là sự phản kháng bị động.

Ở mức độ rất lớn, “tư duy đến sau” và “tư duy kiểu mẫu” đã tạo nên nguyên nhân đẩy quan hệ Mỹ-Trung thụt lùi và thậm chí đóng băng nhanh chóng trong những năm gần đây, cả hai đều là biểu hiện của “quan điểm hướng ngoại quá mức”: quá quan tâm đến địa vị quốc tế và sức ảnh hưởng quốc tế của nước mình, không tiếc đánh đổi chi phí để đạt được mục đích, thậm chí hy sinh sự quan tâm đối với các chương trình nghị sự trong nước.

Mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi phần lớn là do “quan điểm hướng ngoại quá mức” gây ra bởi tư duy tương ứng của hai nước.

Do đó, chìa khóa cho sự phát triển mang tính xây dựng và ổn định tổng thể của quan hệ Mỹ-Trung nằm ở việc điều chỉnh quan điểm hướng ngoại quá mức của Mỹ và Trung Quốc, tập trung hợp lý sự quan tâm và nguồn lực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội trong nước, thể hiện rõ “tính cạnh tranh” của quan hệ hai nước trên phương diện “hiệu quả quản trị”, từ đó mở ra triển vọng mang tính xây dựng mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục