Nga tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực không gian

Nga đã tiến hành các cuộc biểu dương lực lượng trong không gian, nơi cách mặt đất hàng nghìn km, để cho các đối thủ phương Tây thấy được tiềm năng của Nga trong lĩnh vực này.
Nga tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực không gian ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Roscosmos)

Phân tích về những động thái mới đây của Nga trong không gian, nhật báo Le Figaro (Pháp) cho rằng việc vệ tinh do thám Kosmos-2558 của Nga đã được đặt vào đường quỹ đạo của vệ tinh quân sự Mỹ USA-326 hồi tháng 8 vừa qua rất có thể có mối liên hệ với cuộc chiến ở Ukraine.

Vượt ra ngoài tầm mắt và cách xa cuộc chiến tại Ukraine, các cuộc cạnh tranh trong không gian đang diễn ra sôi động. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ Kiev, Nga đã tiến hành các cuộc biểu dương lực lượng trong không gian, nơi cách mặt đất hàng nghìn km. Mục đích là để cho các đối thủ phương Tây thấy được tiềm năng của Nga trong lĩnh vực này.

Moskva đã đặt một vệ tinh do thám mới Kosmos-2558 ở độ cao 450km, đúng vào quỹ đạo của vệ tinh USA-326 mà quân đội Mỹ đã phóng lên từ tháng 2 năm nay.

Một chuyên gia về địa chính trị quân sự không gian giải thích: “Đây là lần đầu tiên Nga thực hiện một vụ tiêm kích trực tiếp.” Để có thể đặt một vệ tinh trực tiếp trên quỹ đạo của một vật thể khác khi nó đang đi qua bầu trời là một thách thức công nghệ với tiềm năng quân sự đáng nể.

Pháp không có những năng lực này. Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm phóng chiến thuật phản ứng thành công, trong đó “tiêm kích trực tiếp” là điều kiện tiên quyết.

[The Drive: Nga phóng vệ tinh giám sát vệ tinh tình báo Mỹ]

Liệu Kosmos-2558 và USA-326 có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine? Theo các chuyên gia, khả năng này là rất có thể, ngay cả khi chức năng hoạt động của các vật thể không gian này rất khó xác định và nhận diện.

Trong số hơn 100 vệ tinh của Nga trên quỹ đạo hiện nay, có đến hàng chục vệ tinh đang không thể xác định được chức năng vận hành của chúng. Kosmos-2558 là một vệ tinh “giám sát,” nhưng nó lại không quan sát mặt đất mà là môi trường xung quanh nó. Nó có thể gây cản trở đối với mục tiêu của mình, làm gián đoạn nhiệm vụ của chúng hoặc thậm chí do thám chúng. Nhiệm vụ của USA-326 cũng không xác định được.

“Hiện đang có một câu hỏi khác được đặt ra là liệu phương Tây có phải đối mặt với chiến thuật ‘búp bê Nga’ từ Kosmos-2558 hay không?”. Chiến thuật này có nghĩa là từ vật thể đầu tiên đã được phóng lên quỹ đạo, một vật thể thứ hai sẽ được phóng ra. Đây có thể là một vũ khí tiềm năng, hoặc là một vệ tinh tuần tra khác...

Ngay sau vụ phóng Kosmos-2558, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã tố cáo hành vi “vô trách nhiệm” của Nga và cho rằng bất kỳ vụ va chạm nào trong không gian cũng có thể tạo ra các mảnh vỡ nguy hiểm. Thời của các chương trình hợp tác trong không gian đã bị ngưng trệ. Tháng 11 năm ngoái, Nga cũng thực hiện một vụ phóng tên lửa chống vệ tinh như một lời cảnh báo về khả năng hủy diệt của nó.

Cuộc chiến ở Ukraine và mối đe dọa từ không gian

Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ diễn ra trên mặt đất mà cả trong không gian, nơi tập trung phần lớn các phương tiện do thám. Chúng rất cần thiết để theo dõi những thay đổi về địa hình hoặc xác định vị trí mục tiêu. Tất cả các vật thể cảm biến quân sự hiện đang ở trên quỹ đạo có thể được sử dụng để theo dõi và phân tích những gì đang xảy ra tại khu vực chiến sự.

Ví dụ, Pháp đang thử nghiệm vệ tinh điện từ Ceres để thu thập thông tin tình báo ở Ukraine. Theo các chuyên gia, “nhu cầu quan sát của cả Nga và phương Tây đều rất lớn.”

Nhờ các vệ tinh của mình, Mỹ đã có thể theo dõi hàng ngày việc điều động và tập trung của quân đội Nga gần biên giới Ukraine hồi cuối năm 2021 và đầu năm nay. Khi bắt đầu cuộc chiến, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mạng khiến việc kết nối của một phần lãnh thổ Ukraine với mạng liên lạc vệ tinh Viasat bị cắt đứt. Để giúp đỡ quân đội Ukraine, phương Tây cũng đã cung cấp các hình ảnh từ vệ tinh.

Năm 2015, Nga đã thành lập Bộ tư lệnh không gian trên cơ sở sáp nhập với Bộ tư lệnh hàng không vũ trụ. Nhưng theo các nguồn tin mở, năng lực của Nga không bằng Mỹ vì nước này chỉ có 11 vệ tinh ISR (trinh sát và giám sát) so với 18 vệ tinh của quân đội Mỹ, và 5 vệ tinh tình báo điện tử so với 27 của Mỹ.

Trong bối cảnh này, việc Nga phóng vệ tinh quan sát Khayyam của Iran vừa qua đã đặt ra nhiều câu hỏi. Tehran phủ nhận việc sử dụng cho mục đích quân sự. Nhưng bản chất của thỏa thuận hợp tác Nga-Iran vẫn là một bí mật. Theo Washington Post, nhiều khả năng vệ tinh này có thể được Nga sử dụng ở Ukraine.

Theo báo cáo về mối đe dọa không gian do Viện CSIS công bố hồi tháng 4 vừa qua, Nga hiện vẫn là một cường quốc về không gian mặc dù đã “suy yếu” hơn trước. Các công nghệ mà Moskva đang đầu tư tập trung chủ yếu vào việc “thu thập thông tin” hoặc những công nghệ hữu ích “cho các hành động trong vùng xám.”

Quân đội Nga do vậy đã xáo trộn thông tin liên lạc GPS ở Ukraine, vốn phục vụ cho việc xác định vị trí của các đơn vị quân đội. Nga có thể dựa vào hệ thống Glonass của riêng họ. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết Moskva cũng đang nghiên cứu “hệ thống laser để làm nhiễu loạn tầm nhìn hoặc làm tê liệt các thiết bị cảm biến của đối phương.”

Tuy nhiên, ở cấp độ chiến thuật, việc tích hợp các năng lực không gian để tiến hành các chiến dịch vốn phức tạp hơn nhiều. Nó đòi hỏi khả năng đáp ứng trong việc xử lý các nguồn tin và năng lực chỉ huy, trong khi quân đội Nga lại chưa có các năng lực này. Pavel Podvig, chuyên gia của Viện nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, cho biết: “Một mặt phải có khả năng quan sát, mặt khác phải biết sử dụng chúng để xác định mục tiêu hoặc theo dõi các hoạt động di chuyển quân.”

Nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, bức màn bí mật của cuộc chiến không gian còn chưa được vén hết. Mọi sự đều đang trong dự đoán và mọi động thái của các bên đều đang được theo sát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục