Chiều ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng thương mại để triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện ngành ngân hàng đã triển khai kịp thời các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm phí thanh toán để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khẳng định tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1%-1,5%/ năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết ngày 30/9 thay vì hết tháng Tư như công bố trước đây. Với chính sách này, Vietcombank ước tính sẽ giảm lợi nhuận 300 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh này.
[Ngân hàng phải kinh doanh liên tục, không được để gián đoạn]
Còn đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng sẽ dành một gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%-2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu có được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ từ 4,5-5%/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.
Liên quan đến chính sách giảm lãi suất, cũng theo ông Thành, từ ngày 11/2, Vietcombank đã giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dư nợ được ngân hàng này giảm lãi suất là 112.000 tỷ đồng với mức giảm từ 1%-1,5%/ năm so với trước đó.
Cũng theo ông Thành, Vietcombank tiếp tục xem xét một số cơ chế theo hướng trong nội bộ thẩm quyền xác định cơ cấu lại nợ, hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ giải quyết thấu đáo nhất những khách hàng không có khả năng trả nợ do dịch COVID-19, xác định thời gian trả nợ đúng hạn sau thời gian cơ cấu lại nợ của những doanh nghiệp này.
Mặc dù vậy, ông Thành cũng kiến nghị cần sự đồng thuận của các cơ quan quản lý khác như Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan.
Ông Thành lấy ví dụ, một số doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về hoãn, miễn giảm thuế, phí nhưng ngành ngân hàng không được hưởng các ưu đãi này. Như vậy, các ngân hàng đang gặp khó khăn kép. Khó khăn thứ nhất là chính cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn và khó khăn thứ hai là ngân hàng lại chia sẻ khó khăn các doanh nghiệp.
“Do đó rất mong chính sách từ phía Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan quản lý hãy coi ngân hàng là doanh nghiệp, ngân hàng có khỏe mới chia sẻ được cho doanh nghiệp,” ông Thành nhấn mạnh.
Còn ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cam kết tiếp tục xem xét giảm 2%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng kinh doanh các lĩnh vực phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
"Chúng tôi cho rằng trong ảnh hưởng của dịch bệnh lần này thì các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng có thể nói còn rất khó để có thể lường đoán. Nhưng mức độ rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nói chung thì có thể nói ảnh hưởng ngay lập tức trực tiếp và rất lớn," ông Thọ nhận định.
Theo VietinBank, đến hết tháng Ba, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm tùy khách hàng, tùy mục đích vay vốn cho khoảng gần 3.000 khách hàng.
Ông Thọ cho biết thêm về cơ cấu và xử lý nhóm nợ, theo thống kê của VietinBank, đến thời điểm này, có khoảng 4.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ tín dụng trên 200.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng. Trong số này, nhiều khách hàng đã chủ động được trong thời gian trước mắt để trả nợ, tuy nhiên có hơn 400 khách hàng với dư nợ tín dụng gần 20.000 tỷ đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian vừa qua, VietinBank cũng đã cơ cấu được 350 khách hàng với số dư nợ 18.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tái cơ cấu và miễn giảm lãi suất, VietinBank cũng đã giảm 20-50% các biệt các loại phí về xuất nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá cao việc tiếp tục hạ lãi suất thêm 2%/năm của một số ngân hàng để hỗ trợ, chung tay với doanh nghiệp.
Theo Phó Thống đốc, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi vay từ 1-1,5%/năm, nay Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng giảm tối thiểu 2%/năm và có thể giảm sâu hơn nữa để cứu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với việc giảm lãi suất cho vay, Phó Thông đốc cũng lưu ý các ngân hàng cần quyết liệt triển khai các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Trong ngày 31/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành chỉ thị số 02/CT-NHNN nhằm triển khai các giải pháp cấp bách để tăng cường phòng, chốn,g và khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới./.