“Ngân hàng phải kinh doanh liên tục, không được để gián đoạn”

Thống đốc yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
“Ngân hàng phải kinh doanh liên tục, không được để gián đoạn” ảnh 1Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, ngày 31/3 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị số 02/CT-NHNN nhằm triển khai các giải pháp cấp bách để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp.

Đối với Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Thống đốc yêu cầu thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành cho vay tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tìa sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.

[Sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ để hỗ trợ khách hàng]

Cơ quan này cần theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của tổ chức tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Song song, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dung, Thống đốc yêu cầu thường xuyên đôn đốc việc triển khai của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện. Có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Các tổ chức tín dụng phải chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh) nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.

Các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng để đảm bảo có sự đồng thuận cao trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi…

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục