Ngân hàng Mỹ đóng tài khoản của nhiều sứ quán

Ngân hàng Mỹ đóng tài khoản do số tiền được chuyển tới Mỹ khá lớn làm tăng lo ngại chúng sẽ được dùng cho khủng bố hoặc rửa tiền.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Patrick Kennedy ngày 13/11 đã phải tìm cách xoa dịu sự tức giận của các nước thành viên Liên hợp quốc sau khi một số ngân hàng trong nước thông báo đóng tài khoản của một loạt đại sứ quán.

Các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, như Pháp và Trung Quốc, cũng nằm trong số một loạt nước được yêu cầu tìm một ngân hàng mới để mở tài khoản, sau khi ngân hàng JPMorgan Chase cùng một số ngân hàng khác thông báo các phái bộ ngoại giao ở Washington và New York đến ngày 31/3 phải đóng các tài khoản của họ.

Nguyên nhân của quyết định này được cho là do số tiền được chuyển tới Mỹ khá lớn làm gia tăng lo ngại chúng sẽ được dùng để phục vụ hoạt động khủng bố, rửa tiền hoặc buôn lậu thuốc phiện. Hiện các thể chế tài chính Mỹ buộc phải báo cáo giới chức liên bang về toàn bộ số tiền chuyển giao trên 10.000 USD hoặc gói chuyển giao nào khả nghi tới và từ nước Mỹ.

Tuy nhiên, theo một đề xuất mới đây của Bộ Tài chính Mỹ, quy định trên sẽ được thắt chặt, theo đó các ngân hàng phải thông báo toàn bộ số tiền chuyển giao bằng tài khoản tới hoặc từ nước Mỹ, dù lớn hay nhỏ.

Trước sự phản ứng của các nước, Thứ trưởng Patrick Kennedy đã gặp đại diện hơn 150 nước tại trụ sở Liên hợp quốc để giải đáp những lo ngại về vấn đề tài khoản.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông này cho biết Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đang nỗ lực thuyết phục các ngân hàng cân nhắc lại quyết định này và đưa các ngân hàng khác vào hoạt động phục vụ ngoại giao. Dù khẳng định các ngân hàng đã đưa ra "một quyết định kinh doanh," song giới chức Mỹ cũng cho biết các ngân hàng là một thể chế riêng và không chịu sự quản lý trực tiếp của chính phủ.

Theo giới ngoại giao, các cường quốc có thể sẽ nhanh chóng tìm ra một ngân hàng thay thế, tuy nhiên hàng chục quốc gia nghèo hơn, đặc biệt là các nước châu Phi, đang gặp khó khăn. Trong khi đó, các tài khoản là cần thiết để trả lương cho nhân viên và thanh toán các hóa đơn. Do thu được rất ít từ các hoạt động ở Mỹ, các nước thành viên Hội đồng Bảo an phải chuyển nhiều triệu USD mỗi năm cho các phái bộ của họ ở Mỹ.

JPMorgan Chase, vốn có nhiều khách hàng ngoại giao vì có một chi nhánh tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, là ngân hàng duy nhất đã đóng tài khoản của tất cả các sứ quán.

Năm ngoái, Ngân hàng châu Mỹ cũng đóng năm tài khoản của đại sứ quán Angola, trong khi một số ngân hàng khác tuyên bố không dính dáng tới kinh doanh trong lĩnh vực ngoại giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục