Tại hội nghị hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về việc lùi thời gian thực hiện Thông tư số 02/2013, quy định về trích lập dự phòng rủi ro (xem box).
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi mà nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, sức khỏe của các doanh nghiệp, ngành ngân hàng vẫn còn rất yếu, thì việc áp dụng Thông tư 02 vào thời điểm 1/6/2014 (lùi 1 năm so với thời điểm ban đầu là 1/6/2013) là chưa phù hợp, sẽ làm khó khăn hơn cho doanh nghiệp, cho ngành ngân hàng.
Ông Công kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên chọn thời điểm thích hợp để áp dụng Thông tư này thì nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn.
Cùng quan điểm với ông Lê Công, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các tổ chức tín dụng chưa thể xử lý nhanh các tồn tại nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục tạm hoãn Thông tư này đến năm 2015 hoặc 2016 mới triển khai.
Trái với hai ý kiến trên, ông Tareq Waleed Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ lại cho rằng, việc thực hiện Thông tư 02 từ thời điểm 1/6/2014 là rất cần thiết để làm rõ hơn định nghĩa về nợ xấu là gì và làm cho minh bạch hơn vấn đề nợ xấu trong ngành.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các bước đi của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện Thông tư 02 nhằm làm cho gần hơn với chuẩn mực quốc tế về dự phòng rủi ro," ông Tareq nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi họp báo chiều ngày 16/12, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 02 đã hoãn 1 năm do vai trò lịch sử của nó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng, ngân hàng trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, không thể trì hoãn lâu hơn được.
Quan điểm của cơ quan tham mưu, cơ quan giám sát tư vấn cho Thống đốc là vẫn giữ nguyên thời điểm thực hiện là tháng 6/2014.
Để làm được việc này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị, bản thân cơ quan thanh tra giám sát yêu cầu tổ chức tín dụng phải tự tính toán xem mức độ những khoản nợ xấu của ngân hàng cũng như các khoản đầu tư không sinh lời… trên cơ sở đó có kế hoạch để trích lập dự phòng.
“Quan điểm Ngân hàng Nhà nước là không hoãn thêm Thông tư 02 được nữa," ông Thảo nhấn mạnh.
Ngày 21/1/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/201/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng và có hiệu lực ngày 1/6/2013.
Tuy nhiên, đến ngày 27/5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi một số điều của Thông tư 02 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014, tức là lùi thời hạn thực hiện Thông tư 02 thêm 1 năm.