Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc "siết" cho vay ngoại tệ

Ông Bùi Quốc Dũng cho biết, những đối tượng có nhu cầu chính đáng về vay ngoại tệ thì vẫn được vay như trước đây.
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc "siết" cho vay ngoại tệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong những ngày qua, đang có nhiều ý kiến khác nhau về những quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang “siết” lại các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại từ sau 31/3/2016.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, đối với Thông tư 24, trong 4 nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì chỉ một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31/3/2016, đó là với trường hợp doanh nghiệp chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ.

Để hiểu rõ hơn về thông tin này, phóng viên báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quốc Dũng xung quanh những quy định tại Thông tư 24.

- Thưa ông, gần đây đang có những ý kiến khác nhau cho rằng về những quy định tại Thông tư 24, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang “siết” lại các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại từ sau 31/3/2016. Ngân hàng Nhà nước giải thích như thế nào về điều này?

Ông Bùi Quốc Dũng: Trên thực tế, những khách hàng có nhu cầu ngoại tệ chính đáng vẫn được vay ngoại tệ như trước đây.

Cụ thể, trước đây, theo Thông tư 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 43), có 4 nhóm đối tượng vay ngoại tệ: Thứ nhất, là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hai nhóm đối tượng này không giới hạn về mặt thời gian.

Thứ ba, cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ tư, vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Hai nhóm đối tượng (3 và 4) này tại Thông tư 43 có quy định giới hạn thời gian tới 31/12/2015.

Còn theo Thông tư 24, ba nhóm đối tượng (nhóm 1,2,3) nói trên tiếp tục được vay như bình thường. Thậm chí, nhóm đối tượng thứ ba (cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu ). Nếu tại Thông tư 43 quy định chỉ giới hạn đến 31/12/2015, thì tại Thông tư 24, Ngân hàng Nhà nước không giới hạn thời hạn thực hiện việc cho vay này như quy định tại Thông tư 43. Như vậy, việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu này của các tổ chức tín dụng được thực hiện thường xuyên.

Riêng với nhóm đối tượng thứ tư, vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay, thời hạn thực hiện việc cho vay theo qui định tại Thông tư 24 là đến đến 31/3/2016.

Thực tế, nhóm đối tượng thứ tư này không phải do nhu cầu sử dụng ngoại tệ, mà vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, mục tiêu hưởng lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ. Như vậy, theo Thông tư 24, quy định về thời hạn đến 31/3/2016 với nhóm đối tượng này sẽ không có tác động nhiều đến các đối tượng có nhu cầu sử dụng ngoại tệ. So với quy định tại Thông tư 43 (thời hạn cho nhóm đối tượng này quy định đến 31/12/2015) thì thời hạn thực hiện cho vay đối với nhóm đối tượng này tại Thông tư 24 còn được mở rộng ra, kéo dài tới ngày 31/3/2016.

- Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại thu hẹp nhóm đối tượng thứ tư là các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, thưa ông?

Ông Bùi Quốc Dũng: Như tôi đã nói ở trên, đối tượng không có nhu cầu vay ngoaị tệ, mà chỉ vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước, mục tiêu là họ muốn hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ. Trước đây có quy định cho vay ngoại tệ là vì trong giai đoạn trước khi nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước quy định nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ qua đó họ sẽ được hưởng mức lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ sau đó họ bán lại cho ngân hàng cho vay để lấy tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước.

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt. Cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đôla hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi.

Ngoài ra, nhóm đối tượng này hiện nay vay không được lợi như giai đoạn trước vì muốn hưởng chênh lệch lãi suất thì bản thân chênh lệch lãi suất phải lớn hơn nhiều so với kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá. Nhưng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, cầu về ngoại tệ tăng lên, kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá cũng phải lớn hơn. Do đó, cái lợi cho doanh nghiệp hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhóm đối tượng vay như thế này hiện còn ít.

- Cũng có ý kiến băn khoăn liệu sau ngày 31/3/2016, trường hợp doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay ngoại tệ, ngân hàng có đáp ứng hay không, thưa ông?

Ông Bùi Quốc Dũng: Theo quy định, những đối tượng có nhu cầu chính đáng về vay ngoại tệ thì vẫn được vay như trước đây. Thông tư 24 vẫn giữ nguyên 4 nhóm đối tượng được xem xét cho vay ngoại tệ theo quy định tại Thông tư số 43.

Riêng đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ và có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu thì việc vay vốn bằng ngoại tệ kết thúc vào ngày 31/3/2016.

Đây là nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu trong nước chứ vay không phải vì nhập khẩu hàng hóa mà họ vay ngoại tệ sau đó bán lại cho các ngân hàng để sử dụng nhu cầu vốn trong nước, qua đó họ được hưởng lãi suất thấp của vay ngoại tệ.

Nhóm đối vay ngắn, trung và dài hạn để phục vụ thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu vẫn giữ nguyên như Thông tư cũ và không có giới hạn thời gian đối với nhóm đối tượng này.

- Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra quy định về thời hạn tới 31/3/2016 mà không phải là 31/1/2015 (thời điểm các doanh nghiệp tất toán các hợp đồng vay ngoại tệ), thưa ông?

Ông Bùi Quốc Dũng: Khi chọn thời điểm 31/3/2016, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ yếu tố mùa vụ, giảm thiểu tác động đến thị trường ngoại hối. Nếu giữ nguyên 31/12/2015, tất cả những đối tượng vay này sẽ phải tất toán, dẫn đến tình trạng, những doanh nghiệp đang vay ngoại tệ sẽ phải chạy ra thị trường mua ngoại tệ để thanh toán.

Thời điểm cuối năm thường căng thẳng về cung cầu ngoại tệ. Từ đó sẽ kéo theo mất cân đối cung - cầu. Doanh nghiệp lại phải mua ngoại tệ giá cao tại thời điểm đó. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước lùi thời điểm đến 31/3/2016, doanh nghiệp sẽ chủ động lựa chọn thời điểm, có thể mua được ngoại tệ giá thấp hơn. Thời điểm đó cung cầu ngoại tệ cũng ở trạng thái tốt nhất, tỷ giá thấp. Về yếu tố vĩ mô cũng giúp cho yếu tố cung cầu ít bị tác động nhất, nên sẽ ít tác động đến thị trường ngoại hối.

- Vậy quy định về việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhóm đối tượng được thực hiện đến hết ngày 31/3 tại Thông tư 24 có ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ sau thời hạn này không, thưa ông?

Ông Bùi Quốc Dũng: Nhóm đối tượng thứ tư, như tôi đã nói ở trên, được giới hạn đến 31/3/2016, thực tế là nhóm đối tượng không có nhu cầu ngoại tệ mà họ vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, mục tiêu hưởng lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ. Vì vậy sẽ không tác động nhiều đến nhu cầu sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục