Sau hai năm, nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam

Chỉ trong vòng hai năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20-25%/năm về bằng mức lãi suất trong giai đoạn 2005-2006.
Sau hai năm, nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp do thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh. Ngoài ra, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá cũng được coi là thành công của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm "Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước 2011-2013: Những kết quả và thách thức" tổ chức ngày 30/10 tại Hà Nội.

Lãi suất cho vay giảm từ 20-25%

Các đại biểu cho biết, từ năm 2011 đến nay, thành công nổi bật nhất của chính sách tiền tệ là chính sách lãi suất. Bắt đầu từ năm 2011 đến nửa đầu năm 2012, chính sách tiền tệ điều hành theo hướng tập trung vào chính sách lãi suất, với việc tăng lãi suất và quay trở lại áp dụng trần lãi suất huy động với mục tiêu làm công cụ để kiểm soát và kiềm chế lạm phát.

Cho đến thời điểm hiện nay, khi dự báo lạm phát cho cả năm 2013 là khoảng 7% thì cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra được trần lãi suất huy động về mức 7%. Đây là mức lãi suất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và vi mô.

Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến tháng Mười, mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức 3-4%/năm đối với các kỳ hạn ngắn.

Mức lãi suất này đã bằng với thời điểm năm 2006, trước vòng xoáy bất ổn kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đã vướng phải sau đó.

Chỉ trong vòng hai năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20-25%/năm về bằng mức lãi suất trong giai đoạn 2005-2006.

Về mặt bằng chung hiện nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên có từ 7% - 9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 9 - 11,5%/năm (ngắn hạn) và 11,5% - 13%/năm (trung hạn và dài hạn); những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5% - 7%/năm.

Lãi suất huy động trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại hiện phổ biến từ 6% - 8,5%/năm.

Tuy nhiên, tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại cho rằng, mặc dù lãi suất hiện đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao. Con số mà ông tính toán tương đối có thể lên tới 6%/năm.

"Liệu có phải chênh lệch lãi suất cao như vậy là do ngân hàng cần có lợi nhuận đáng kể để xử lý nợ xấu?," ôngThành đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, ông Phước cho biết, qua thực tế từng tham gia điều hành tại Eximbank, chênh lệch lãi suất hiện nay theo ông chỉ ở khoảng 2,8%/năm.

"Mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… Tạm gọi là các chi phí đó. Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm," ông Phước tính toán.

Tuy nhiên, ông Phước cũng nhấn mạnh rằng, không thể tính chênh lệch lãi suất một cách đơn giản là lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm để ra con số ngân hàng thu 6%/năm.

Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thì: Vụ theo dõi và tính toán bình quân chung cả hệ thống chỉ 3%, do đó, không thể có lãi suất nào mà có mức chênh cao tới 5-6%.

Và theo ông Hòe, nếu có chênh lãi suất đầu vào - ra cao như ý kiến của các chuyên gia, thì “chắc công bố lợi nhuận của ngân hàng trên thị trường chứng khoán rất kếch xù”. Vị đại diện này còn cho biết, với lãi suất cho vay đầu ra hiện nay là 11,5%/năm, thì lãi suất đầu vào chỉ 7%/năm.

Giảm dần tình trạng đô la hóa

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách lớn thứ hai mà Ngân hàng Nhà nước làm được trong thời gian qua là chính sách tỷ giá hối đoái. Trong hơn 2 năm qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý đều được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, từ quý IV/2011, để kiểm soát kỳ vọng, góp phần ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đưa ra các cam kết về việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá trong từng thời kỳ với mức biến động trong khoảng 1% giai đoạn cuối năm 2011 và 2-3%/năm cho các năm 2012 và 2013.

Tại những thời điểm cung cầu ngoại tệ trên thị trường căng thẳng cục bộ, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ, phối hợp với việc điều hành lãi suất và thanh khoản VND ngắn hạn nhằm nhanh chóng ổn định thị trường.

Các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến lạm phát nhưng vẫn đảm bảo chênh lệch lợi tức hợp lý thiên về nắm giữ VND thay vì ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuyển dần quan hệ huy động-cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, như thu hẹp dần đối tượng được phép vay ngoại tệ, giảm giới hạn trạng thái của các tổ chức tín dụng, tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ...

Xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi tiền đồng tiếp tục được duy trì góp phần giảm cầu găm giữ ngoại tệ. Nhờ vậy, trong năm 2012 và 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước được cải thiện rõ nét.

Chủ động tái cơ cấu

Trong hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và liên tục thực hiện các giải pháp xác định trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và đã đạt được một số kết quả.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 8 phương án tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; các ngân hàng này đã và đang được tái cơ cấu một cách toàn diện theo đề án đã được phê duyệt theo nguyên tắc tự nguyện dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, tình hình hoạt động ổn định và có chiều hướng được cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu.

Ông Ánh nhấn mạnh, nếu so sánh với tiến trình tái cơ cấu đầu tư công hay tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đã diễn ra nhanh hơn, đạt được nhiều kết quả rõ ràng và cụ thể hơn.

Tuy nhiên, ông Ánh cũng cho rằng, quá trình đó vẫn còn một số vướng mắc, phức tạp nhưng dù sao cũng đã đi đúng hướng và gắn bó chặt chẽ với chương trình xử lý nợ xấu. Quy mô nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 8-10% tổng dư nợ tín dụng trong năm 2012 xuống còn dưới 5% trong báo cáo gần đây nhất chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đa tiến một bước rất dài trong quá trình xử lý nợ xấu.

Một số đại biểu cũng thừa nhận, mặc dù Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới chỉ vừa thành lập nhưng Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích các ngân hàng thương mại tự xử lý nợ xấu, đến nay đã xử lý được hơn 85.000 tỷ đồng nợ xấu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục