Từ hôm nay (31/3), các tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Mã tổ chức phát hành thẻ - Bank Identification Number) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Đây là nội dung tại Thông tư số 22/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, kể từ ngày hôm nay, các ngân hàng sẽ buộc phải dừng phát hành thẻ ghi nợ nội địa (ATM) mới là thẻ từ mà thay vào đó là chuyển sang phát hành thẻ gắn chip.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này được đưa ra nhằm ngăn ngừa hiện tượng một số ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành thẻ mới là thẻ từ cho khách hàng, ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi thẻ chip nội địa năm 2021.
Ghi nhận tại các ngân hàng thương mại hiện nay, việc chuyển đổi sang thẻ ATM gắn chip mới đang được thực hiện miễn phí cho khách hàng. Thẻ chip là loại thẻ được gắn một con chip kích thước nhỏ ở mặt trước thẻ theo tiêu chuẩn do các tổ chức thẻ quốc tế ban hành.
Thẻ chip có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Khi thực hiện thanh toán, thẻ chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại, giúp giảm nguy cơ gian lận, giả mạo…
Trong khi đó, thẻ từ là thẻ có dải băng từ phía sau thẻ, dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ. Vì vậy dễ dẫn đến rủi ro bị đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch.
Do đó, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa sẽ góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật và tăng tốc độ thực hiện giao dịch.
[Bảy ngân hàng thương mại ở Việt Nam ra mắt thẻ tín dụng nội địa]
Thẻ chip nội địa của nhiều ngân hàng hiện nay ngoài các tính năng giao dịch thông thường còn được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (Contactless) với nhận diện bằng biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.
Khi thanh toán, khách hàng chỉ cần chạm hoặc đưa thẻ đến gần thiết bị chấp nhận thẻ (POS) là có thể hoàn thành giao dịch một cách dễ dàng thay vì quẹt thẻ hoặc cắm vào đầu đọc thẻ như cách thanh toán truyền thống.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết tuy là một trong số các ngân hàng có số lượng thẻ nội địa lưu hành lớn nhất thị trường, chi phí chuyển đổi thẻ rất lớn nhưng Vietcombank vẫn đang duy trì chính sách chuyển đổi miễn phí sang thẻ chip cho khách hàng.
Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), việc phát hành mới thẻ chip nội địa đã được thử nghiệm từ cuối năm 2018 và chính thức phát hành cho tất cả khách hàng từ tháng 6/2019.
Toàn bộ các thiết bị máy ATM, POS và LiveBank của ngân hàng đều được nâng cấp, chuyển đổi để chấp nhận thẻ chip nội địa. Khách hàng có thể đăng ký tài khoản mới và in thẻ trực tiếp tại các LiveBank của TPBank.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, việc chuyển đổi này ngoài gia tăng trải nghiệm số tốt nhất cho khách hàng còn giúp hạn chế tối đa những rủi ro về an toàn, bảo mật cho khách hàng sử dụng thẻ ATM.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều ngân hàng, khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip hiện nay là khách hàng còn chưa chủ động đăng ký chuyển đổi thẻ đang sử dụng dù đã có nhiều thông báo từ ngân hàng về việc này.
Thậm chí, ngay cả khi thẻ đã hoàn tất chuyển đổi, nhân viên ngân hàng cũng phải liên hệ nhiều lần, khách hàng mới đến nhận thẻ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý ngại xếp hàng chờ đợi, điền nhiều biểu mẫu, tờ khai của khách hàng.
Nắm bắt được tâm lý này, Vietcombank cũng thực hiện nhiều kênh chuyển đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho khách hàng khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Khách hàng có thể trực tiếp tới quầy giao dịch hoặc đăng ký chuyển đổi trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng số VCB DigiBank. Ngân hàng cũng tiến hành đổi thẻ gắn chip đồng loạt cho các công ty, doanh nghiệp trả lương nhân viên qua thẻ. Tính đến hết tháng 2/2021, ngân hàng này đã phát hành mới và chuyển đổi được 2,5 triệu thẻ gắn chip nội địa.
Ngoài ra, với phương thức xác thực điện tử (eKYC) đang được nhiều ngân hàng đưa vào ứng dụng, khách hàng có thể mở tài khoản mới ngay trên điện thoại di động thông qua ứng dụng ngân hàng số.
Đây được xem là chìa khóa giúp các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Bởi khách hàng không phải xếp hàng chờ đợi, không phải điền vào quá nhiều biểu mẫu, giấy tờ, khách hàng được phục vụ nhanh hơn khi được nhận diện và phân luồng hợp lý giữa các bàn giao dịch, đáp ứng đúng nhu cầu giao dịch của khách hàng và không mất nhiều thời gian chờ đợi.
Theo ông Nguyễn Hưng, trong quá trình triển khai eKYC tại TPBank cho thấy, việc xác thực danh tính khách hàng bằng máy móc thậm chí còn an toàn hơn là xác thực trực tiếp tại quầy.
Với giao dịch trực tiếp tại quầy, việc phát hiện chứng minh thư giả mạo phụ thuộc vào khả năng của giao dịch viên, song nếu thực hiện eKYC, ngân hàng sẽ có nhiều công nghệ để kiểm tra nên độ chính xác cao hơn rất nhiều.
Số liệu thống kê từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy tính đến hết năm 2020, cả nước có 94 triệu thẻ nội địa đang lưu hành; trong đó chủ yếu là thẻ ATM.
Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021 sẽ có 100% thẻ ngân hàng và các thiết bị chấp nhận thẻ tại Việt Nam phải được chuyển đổi sang tiêu chuẩn thẻ chip./.