Ngân hàng tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ bán lẻ

Ngày 19/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn IDG đã khai mạc Diễn đàn ngân hàng Đông Nam Á 2013.
Ngân hàng tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ bán lẻ ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ngày 19/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG đã khai mạc Diễn đàn ngân hàng Đông Nam Á 2013 với chủ đề “Khác biệt hóa dịch vụ ngân hàng thông qua đổi mới kênh phân phối và tối ưu hóa hoạt động.”

Diễn đàn nhằm cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất và đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm giúp các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á phát triển thương thương hiệu theo xu hướng khác biệt hóa.

Diễn đàn ngân hàng Đông Nam Á lần này đón tiếp sự tham dự của 450 đại biểu là các giám đốc điều hành (CEO, COO), giám đốc thông tin (CIO), giám đốc công nghệ (CTO), giám đốc an ninh thông tin (CSO), Giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ, Giám đốc Quản lý kênh Phân phối, Giám đốc Thẻ, CMOs - Giám đốc Marketing, CROs - Giám đốc Quản lý rủi ro, Chuyên gia tư vấn Công nghệ, Chuyên gia tư vấn tài chính ngân hàng đến từ Việt Nam và các nước khu vực ASEAN.

Trong bối cảnh thị trường ngân hàng có nhiều biến động, yêu cầu khách hàng ngày càng phức tạp và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt thì việc phát triển các lợi thế cạnh tranh thông qua đổi mới kênh phân phối và tối ưu hóa hoạt động sẽ giúp các ngân hàng bán lẻ đứng vững và phát triển trong tỉnh hình mới.

Diễn đàn ngân hàng Đông Nam Á 2013 được tổ chức với bốn chương trình chính. Mở đầu hội thảo là phiên báo cáo chính tập trung vào chủ đề “Các xu thế phát triển ngân hàng bán lẻ năm 2013-2014” đem đến cái nhìn tổng quan và trình bày những xu hướng phát triển nổi bật của các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Tiếp nối chương trình, phiên đối thoại lãnh đạo ngân hàng với chủ đề “Phát triển ngân hàng bán lẻ: Chia sẻ giải pháp và Xác định các yếu tố quyết định thành công” đã hội tụ những câu chuyện thành công trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc ngân hàng ANZ (Việt Nam) chia sẻ, tại Việt Nam mức độ tự do hóa ngành ngân hàng lớn, so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang tự do hóa nhanh thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, nhiều thẻ tín dụng quốc tế được sử dụng đi du lịch. Các giao dịch tiền qua thẻ tăng nhanh.

Theo ông Tareq Muhmood, thời gian qua, cuộc khủng hoảng tài chính là cơ hội để phát triển ngân hàng bán lẻ. Các ngân hàng Việt Nam đang theo chiến lược phát triển tương tự nhau mà thiếu sự khác biệt trong dịch vụ và sản phẩm. Trong tương lai có khủng hoảng về nợ xấu, việc xử dụng đòn bẩy quá mức. Vì vậy, các ngân hàng cần có kế hoạch dài hạn cho mình, ổn định tỷ giá hối đoái.

Trong năm qua, các ngân hàng Việt Nam và Đông Nam Á có nhiều đổi mới nhưng cần thời gian để ổn định vững chắc trên thị trường, không thể vội vàng tối ưu hóa lợi nhuận trong ngắn hạn.

Đồng quan điểm này, ông Lê Công, Tổng Giám đốc ngân hàng Quân đội cho rằng xu thế phát triển của ngân hàng bán buôn cũng tác động nhiều vào khủng hoảng tài chính năm 2007, vì thế phát triển ngân hàng bán lẻ là xu thế hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đình Cường, Phó giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương của ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện cho ngân hàng bán lẻ. Hơn nữa, hệ thống hạ tầng công nghệ cũng phát triển nhanh như Internet banking, Mobile banking. Chính phủ và các ngân hàng đều quan tâm đầu tư công nghệ.

Bên cạnh những cơ hội lớn, cũng gặp thách thức lớn, Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ cũng giới hạn trong mức độ nhất định. Đồng thời, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới phát triển, việc cung ứng dịch vụ công nghệ cao còn nhiều hạn chế.

Việt Nam cũng có các ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng là thách thức đối với Việt Nam để cạnh tranh với các ngân hàng bán lẻ hàng đầu đang có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, các ngân hàng Việt Nam cần quyết liệt hơn trong việc tăng khả năng cung cấp dịch vụ bán lẻ của mình.

Ngân hàng bán lẻ chứng tỏ vai trò của mình trong 3 năm trở lại đây. Với Vietcombanh, Vietinbank - huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12- 15%; các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%...

Trong 10 năm trước, ngân hàng bán lẻ chưa có vị trí nhưng hiện tại đã khẳng định vị thế của mình. Tháng 6/2013 đạt 55 triệu thẻ, đến nay đã đạt hơn 60 triệu thẻ với 110.000 điểm thanh toán POS…

Ngoài ATM và POS, các ngân hàng cũng quan tâm Internet banking, Mobile banking. Với sự phát triển này, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt giảm mạnh chỉ còn 12% trên tổng phương diện thanh toán. Đây là xu hướng thị trường thanh toán trong tương lai, Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink bộc bạch.

Tại diễn đàn, hai chuyên đề hội thảo diễn ra song song “Khác biệt hóa thông qua tối ưu hóa hoạt động” và “Khác biệt hóa thông qua đổi mới kênh phân phối” tiếp tục các thảo luận xoay quanh các sáng kiến và giải pháp công nghệ giúp ngân hàng phát triển lợi thế kinh doanh thông qua việc khác biệt hóa sản phẩm và dịch vụ cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chuyên đề 1 tập trung các tham luận và phần trình bày chuyên sâu vào hoạt động tối ưu hóa hoạt động, vai trò và ứng dụng của công nghệ vào tinh giản hệ thống, giảm thiểu chi phí kinh doanh…

Chuyên đề 2 đi sâu thảo luận về tiềm năng cũng như giải pháp hiệu quả giúp các ngân hàng đổi mới kênh phân phối của mình.

Bên cạnh hội thảo, triển lãm công nghệ diễn ra tại 2 khu vực trưng bày với mục tiêu đem đến cho khách tham dự những trải nghiệm mới mẻ với các ứng dụng công nghệ và sản phẩm/dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Triển lãm trưng bày các sản phẩm và dịch vụ mới nhất trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ: Những sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bán lẻ được phát triển trên nền di động, các kênh phân phối trực tuyến và hệ thống POS/ATM mới nhất.

Triển lãm trưng bày các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như thuật toán đám mây; ảo hóa; kho dữ liệu; phân tích kinh doanh; quản trị trí tuệ doanh nghiệp; quản trị dữ liệu; quản trị công nghệ thông tin; thuê ngoài; phát triển ứng dụng; tích hợp hệ thống; giải pháp truyền thông; quản trị hoạt động; quản trị rủi ro tín dụng và tác nghiệp; bảo mật hệ thống, kiểm soát hệ thống thông tin, các tiêu chuẩn tuân thủ; các giải pháp thanh toán và dịch vụ thẻ; CRM/ERP, BPM; tối đa hóa giá thành/lợi nhuận.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục