Ngân hàng Tây Ban Nha lại bị hạ hạng tín nhiệm

Ngày 17/10, S&P lại tiếp tục hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của một số ngân hàng địa phương của Tây Ban Nha từ AA xuống còn AA-.
Triển vọng sớm phục hồi của các nước khủng hoảng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dường như còn xa vời khi liên tiếp có những thông tin không mấy tích cực và sáng sủa liên quan đến các quốc gia này.

Ngày 17/10, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) lại tiếp tục hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của các ngân hàng địa phương ở thành phố Barcelona và khu vực Madrid của Tây Ban Nha từ AA xuống còn AA-.

Trước đó, ngày 13/10, S&P đã hạ mức tín nhiệm tín dụng dài hạn của Tây Ban Nha từ AA xuống còn AA- do triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám của nước này.

Đây là một đòn nữa giáng mạnh vào nỗ lực ổn định tài chính công của Tây Ban Nha sau khi hàng loạt ngân hàng lớn của nước này vừa bị đánh giá là đang ở trong tình trạng xấu

Từ nhiều tuần qua, Tây Ban Nha đã là "đối tượng" hạ thấp điểm của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế. Tuần đầu tháng 10 này, công ty đánh giá tín nhiệm Fitch cũng đã hạ hai bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha.

Cùng ngày 17/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã sơ bộ tán thành việc quốc hữu hóa Dexia Bank Belgium (DBB) - chi nhánh tại Bỉ của Ngân hàng liên doanh Dexia (ngân hàng liên doanh giữa Pháp, Bỉ và Luxembourg). Tuy nhiên EC cho biết kế hoạch quốc hữu hóa này cần phải được tiếp tục xem xét kỹ lưỡng hơn, xem giá cả chính phủ mua lại cổ phần ngân hàng cũng như hành động hỗ trợ trên có phù hợp với các quy định của Liên minh châu Âu (EU) hay không.

Trước đó, ngày 10/10, Hội đồng giám đốc Dexia đã quyết định bán 100% cổ phần của chi nhánh DBB cho Chính phủ Bỉ với giá 4 tỷ euro để giải quyết tình hình khó khăn hiện nay và đảm bảo lợi ích của cổ đông và các đối tác. Ngoài ra, Dexia còn đang xem xét bán tiếp Dexia BIL, chi nhánh chủ yếu của ngân hàng này tại Luxembourg.

Trong bối cảnh những diễn biến trên, thị trường lại tiếp tục bi quan sau cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tại một hội nghị ở thành phố Dusseldorf, Đức ngày 17/10.

Theo ông Wolfgang Schaeuble, Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu vào ngày 23/10 tới sẽ không đưa ra một "liều thuốc kỳ diệu" cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở Eurozone.

Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng các nước không nên kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh này, đồng thời kêu gọi các thị trường phải nhanh chóng bình ổn để tránh hủy hoại những thành quả thực sự của kinh tế châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục