Theo báo cáo của Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc công bố ngày 27/3, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tác động đến ngành du lịch tại châu Á-Thái Bình Dương và khiến lượng du khách giảm 9-12% trong năm nay.
Dựa trên dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, dự báo du khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm 1-3% do lệnh hạn chế đi lại và dịch bệnh.
Hàn Quốc sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do Trung Quốc chiếm tới 20% cho chi tiêu du lịch quốc tế của nước này.
Sự lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 bị cho là sẽ khiến ngành hàng không toàn cầu chịu thiệt hại lớn về số hành khách và doanh thu.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát, doanh thu từ hành khách trên toàn cầu sẽ giảm gần 63 tỷ USD trong năm nay.
Trong trường hợp dịch bệnh lan nhanh, các hãng hàng không trên thế giới sẽ bị thất thu tới 113 tỷ USD.
[COVID-19: IATA khẩn cấp đề nghị các nước cứu trợ ngành hàng không]
Cùng ngày, hãng hàng không Singapore Airlines Ltd cho biết đã dành ra khoảng 19 tỷ SGD (13 tỷ USD) để giúp công ty vượt qua cuộc khủng hoảng.
Khoản tiền này đến từ việc cổ đông lớn nhất của Singapore Airlines là Temasek Holdings bảo lãnh việc bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi trị giá lên tới 15 tỷ USD, trong khi 4 tỷ USD là vay của DBS Group Holdings Ltd - ngân hàng lớn nhất Singapore.
Đây là gói hỗ trợ tài chính lớn nhất của một hãng hàng không kể từ khi nhu cầu sụt giảm mạnh do dịch bệnh, buộc các hãng hàng không phải ngừng bay và cho nhân viên nghỉ không lương.
Hiện Singapore Airlines đã cắt giảm 96% công suất hoạt động và đình chỉ gần như toàn bộ các đội bay, sau khi Chính phủ Singapore cấm hành khách nước ngoài, cũng là nguồn thu chính của hãng này.
Tại Mỹ, các hãng hàng không đang chuẩn bị đề nghị Chính phủ Mỹ hỗ trợ tới 25 tỷ USD để chi trả lương cho nhân viên, dù trước đó chính phủ đã cảnh báo việc đổi cổ phần để lấy tiền hỗ trợ.
Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn ngày 27/3, các hãng hàng không sẽ nhận khoản tiền đầu tiên trong vòng 10 ngày.
Dù sẽ được hỗ trợ, song các hãng hàng không cũng đã giảm bớt chi phí, thông qua việc để nhân viên tự nguyện nghỉ không lương hoặc nghỉ hưu sớm.
Với việc mạnh tay cắt giảm hoạt động, chi phí lớn nhất mà các hãng hàng không phải chi trả chính là tiền lương của nhân viên, các khoản tiền hỗ trợ từ chính phủ sẽ giúp các công ty có khoảng 6 tháng để đánh giá xem liệu nhu cầu đi lại có thể phục hồi được hay không.
Bên cạnh các khoản trợ cấp, các hãng hàng không cũng có thể đăng ký khoản vay, hoặc vay có bảo lãnh trong gói cứu trợ trên.
Tuy nhiên, các khoản vay với thời hạn 5 năm sẽ đòi hỏi các điều khoản nghiêm ngặt hơn so với tiền cứu trợ, hay khoản vay từ ngân hàng tư nhân.
Đây sẽ là gánh nặng cho những công ty đang cố gắng phục hồi từ khủng hoảng. Theo đó, các công ty vay tiền sẽ phải giới hạn lương thưởng cho Ban giám đốc và cổ tức 12 tháng sau khi trả nợ.
Trong khi đó, với những công ty nhận tiền trợ cấp, việc hạn chế lương thưởng cho Ban giám đốc sẽ kết thúc vào ngày 24/3/2022, và việc chia cổ tức và mua lại cổ phần sẽ nối lại vào ngày 30/9/2021./.