Ngành hải quan triển khai hiệu quả công tác ứng phó COVID-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ, Bộ Tài chính nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Các xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Các xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong năm 2020, với sự lây lan nhanh và nghiêm trọng ở hơn 200 quốc gia trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng loạt nhà máy đóng cửa, người lao động mất việc làm, gia tăng rủi ro tài chính, thị trường chứng khoán lao dốc, xu thế bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp diễn, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, giá cả một loạt hàng hóa như dầu thô, vàng biến động mạnh… đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm.

Tại Việt Nam, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội hai đợt tại một số tỉnh,thành phố trên cả nước đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và tiến độ thu ngân sách.

Thêm vào đó, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như EVFTA, RCEP…) với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ... tác động đến kinh tế nước ta nói chung và tình hình xuất nhập khẩu nói riêng.

Năm 2020, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo nhằm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, “bảo vệ sức khỏe người dân, ổn định xã hội, duy trì và phát triển kinh tế.” Việt Nam đã nỗ lực vượt qua những khó khăn và thách thức đạt được mức tăng trưởng tốt.  

Đây là kết quả vượt bậc và đầy triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong một năm đầy thử thách, bên cạnh đó cũng đánh dấu một năm nỗ lực của ngành Hải quan với vai trò là “người gác cửa nền kinh tế đất nước.”

Tạo mọi điều kiện hỗ trợ xuất khẩu

Nhằm ứng phó với tình hình mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp nhằm tiếp nhận những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đa dạng các hình thức đối thoại trực tiếp và trực tuyến, tổ chức các hội nghị đối thoại, tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước về công tác triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thu hút sự quan tâm của Tổng Lãnh sự quán, Đại sứ quán các nước, các Hiệp hội doanh nghiệp.

Đồng thời, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ, Bộ Tài chính phê duyệt các chủ trương, chính sách như quyết định số 1616/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh.

Ngành hải quan triển khai hiệu quả công tác ứng phó COVID-19 ảnh 1Siêu tàu chở container Margrethe Maersk chuẩn bị cập cảng quốc tế Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.. (Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN)

Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành chủ động phối hợp với các bộ ngành tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu, biên giới, tuy nhiên vẫn đảm bảo công tác phòng chống xuất khẩu các vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch…

Cụ thể, ông Cẩn cho biết lãnh đạo ngành đã có những chỉ đạo giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa đồng thời rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả trả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn; triển khai thông quan nhanh hàng hóa đặc biệt là hàng viện trợ trong phòng chống dịch...

Ngoài ra, các đơn vị hải quan đã trực tiếp tham gia làm thủ tục và  phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng thủ tục, tạo điều kiện cho khách nhập cảnh đến hoặc đi qua vùng có dịch COVID-19, đặc biệt là thực hiện thủ tục các chuyến bay nhân đạo đón đồng bào về nước.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, triển khai các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, đến hết ngày 31/12, số thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 315.000 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán (338.000 tỷ đồng) và  đạt 105% số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV (300.000 tỷ đồng).

Tập trung nhân lực về hoàn thiện cơ chế, chính sách

Ông Cẩm cho hay trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn nhân lực để xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan.

Tổng cục Hải quan đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành 12 văn bản (gồm 5 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5 Thông tư).

Trong đó, có các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực hải quan, như Nghị định số 46/2020/NĐ-CP về hàng hóa quá cảnh theo hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN-ACTS; Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68 về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan hay Thông tư số 47/2020/TT-BTC quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch COVID-19…

Với mục tiêu cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính trong số 5 đơn vị khối tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính.

“Tổng số chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính 15 tỷ đồng/ năm, tương đương 62.500 ngày công lao động phổ thông (240.000 đồng/ ngày công),” ông Cẩn cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục