Ngành ngân hàng Mỹ dự báo có kết quả kinh doanh ảm đạm

Giới chuyên gia Mỹ có phần thận trọng hơn với dự báo kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng không mấy khả quan trong quý vừa qua sau vụ phá sản SVB và 2 ngân hàng tầm trung khác.
Ngành ngân hàng Mỹ dự báo có kết quả kinh doanh ảm đạm ảnh 1Người dân xếp hàng bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Santa Clara, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khoảng một tháng sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng domino trong hệ thống ngân hàng, báo cáo kết quả kinh doanh hằng quý của các ngân hàng Mỹ dự kiến công bố trong tuần này sẽ tập trung vào tính thanh khoản và mức độ sẵn sàng của ngành này trong trường hợp nền kinh tế đầu tàu thế giới rơi vào suy thoái.

Sự căng thẳng phần nào đã được giải tỏa khi các cơ quan chức năng công bố các biện pháp khẩn cấp để củng cố ngành này sau vụ phá sản SVB và hai ngân hàng tầm trung khác.

Trong khi các nhà đầu tư cho rằng lĩnh vực này đã ổn định, giới chuyên gia có phần thận trọng hơn với dự báo kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng không mấy khả quan trong quý vừa qua.

Ông Clifford Rossi, Giáo sư tại Đại học Maryland, từng là Giám đốc quản lý rủi ro tại Citigroup, cho rằng doanh thu của các ngân hàng sẽ giảm đi.

[Giám đốc điều hành JPMorgan nhận định về tình hình ngân hàng Mỹ]

Báo cáo kết quả kinh doanh dự kiến bắt đầu được công bố từ ngày 14/4 với danh sách có đầy đủ các "ông lớn" ngành ngân hàng như JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo, công ty cho vay hạng trung PNC.

Ngân hàng First Republic đang gặp khó khăn dự kiến công bố báo cáo kinh doanh quý vào cuối tháng 4 với nội dung có thể tập trung vào vấn đề thanh khoản của ngân hàng.

Trên thực tế, các ngân hàng cũng đang chịu áp lực phải tăng lãi suất mà họ phải chi trả cho người gửi tiền. Những lo lắng về suy thoái kinh tế có khả năng buộc các ngân hàng phải tăng quỹ dự trữ phòng ngừa rủi ro trong trường hợp vỡ nợ.

Ông Stuart Plesser - Giám đốc cấp cao của Standard&Poor's - cho rằng những thay đổi trong môi trường ngành có thể làm giảm triển vọng lợi nhuận và vấn đề đặt ra ở đây là mức độ suy giảm ra sao.

Theo biên bản cuộc họp công bố ngày 12/4, các nhà kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự đoán một cuộc “suy thoái nhẹ” khi ngân hàng này quyết định tăng thêm lãi suất trong tháng 3 vừa qua.

Biên bản cho thấy tại thời điểm diễn ra cuộc họp tháng 3/2023, các chuyên gia này đã đưa ra các dự báo gồm một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay và sau đó phục hồi trong hai năm tiếp theo.

Cụ thể, các quan chức Fed dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ đạt 0,4% cho cả năm 2023.

Trước đó, trong một bức thư gửi cổ đông hôm 4/4, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon nói rằng cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ vẫn đang diễn ra và tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.

Ông Dimon cho rằng vẫn còn những “cơn gió ngược” đang đe dọa nền kinh tế như cách đây một năm và hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực mới sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và việc ngân hàng UBS giải cứu Credit Suisse hồi tháng trước.

Theo ông Dimon, khả năng suy thoái của thị trường đã tăng lên, mặc dù điều này không giống như năm 2008 song vẫn chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ kết thúc. Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đã gây ra nhiều lo ngại trên thị trường và nó có thể khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn khi các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác trở nên thận trọng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục