Ngành nông nghiệp Indonesia tụt hậu so với khu vực

Ngành nông nghiệp Indonesia vẫn còn tụt hậu xa so với các nước láng giềng trong khu vực và chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Mặc dù đã liên tục nâng cao được năng suất trong thập kỷ qua trong khi số lao động trong ngành giảm sút, song nông nghiệp Indonesia hiện vẫn còn tụt hậu xa so với các nước láng giềng trong khu vực Đông-Nam Á và chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Số liệu công bố mới đây của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) xác nhận số lao động (từ 15 tuổi trở lên) trong ngành nông nghiệp nước này đã giảm từ 40,61 triệu người năm 2003 xuống còn 38,86 triệu người năm 2013, trong khi trong cùng kỳ sản lượng lúa gạo đã tăng từ 52,14 triệu tấn lên 69,27 triệu tấn, tương ứng với mức tăng trung bình 3,9%/năm.

Trong giai đoạn này, sản lượng ngô cũng tăng trung bình 7,16%/năm, từ 10,89 triệu tấn lên 18,84 triệu tấn.

Theo người đứng đầu BPS là ông Suryamin, ngoài số lao động nông nghiệp từ 15 tuổi trở lên, số hộ gia đình nông dân ở Indonesia cũng đã giảm trong thập kỷ qua, từ mức 31,13 triệu hộ xuống còn 25,13 triệu hộ.

Trong đó đảo Java - khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất đất nước “Vạn Đảo” có số hộ nông dân giảm từ 17,91 triệu hộ xuống còn 13,42 triệu hộ, đảo Sumarta và Sulawesi - khu vực trồng lúa lớn thứ hai và ba cũng trong tình trạng tương tự.

Ngoài ra, tuy năng suất được cải thiện, song Indonesia vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nông sản, từ gạo đến đậu tương và đường mía.

Giám đốc phụ trách phát triển của BPS, ông Bambang Kristianto nhấn mạnh Indonesia cần tăng cường và đầu tư nhiều hơn nữa vào việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mới có thể giảm được sự phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản - bước đầu tiên để đạt được mục tiêu tự đảm bảo lương thực và an ninh lương thực.

Theo quan chức này, về mặt công nghệ, ngành nông nghiệp Indonesia hiện tụt hậu so với nước láng giềng Malaysia tới 10 năm.

Với việc ngành này đóng góp 15,04% vào GDP của đất nước, Chính phủ Indonesia cần phân bổ ngân sách nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp và hối thúc chính quyền các cấp ưu tiên phát triển nông nghiệp như các lĩnh vực giáo dục hay y tế, để có thể khai thác hết thế mạnh và tiềm năng nông nghiệp của địa phương.

Ngoài ra, các ngân hàng nông nghiệp cũng cần phải phát huy được vai trò như một nguồn cung tài chính quan trọng cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ quan điểm nói trên, Giám đốc Học viện Bogor (IPB) của Indonesia Herry Suhardiyanto nhấn mạnh việc sản xuất nông nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước không chỉ khiến Indonesia phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn chịu những tác động bất lợi từ biến động giá nông sản trên các thị trường thế giới, chưa kể đến nhiều vấn đề liên quan khác mà nước này phải đối mặt như chất lượng sức khỏe người dân kém, phúc lợi xã hội nghèo nàn dành cho nông dân, ngư dân và các chủ trang trại.

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Quốc gia Indonesia, ông Firman Soebagyo nêu rõ tình trạng thiếu sự quan tâm và hỗ trợ đúng mức của Chính phủ nước này cho ngành nông nghiệp đã góp phần thu hẹp mạnh diện tích đất canh tác.

Khoảng 100.000 hécta đất nông nghiệp Indonesia đã bị chuyển giao cho các nhà máy và ngành bất động sản từ năm 2010, gây nhiều thách thức cho việc đáp ứng nhu cầu trong nước đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược.

Ông Firman Soebagyo cho rằng ngoài hai lĩnh vực ưu tiên là thuế quan và dầu khí, Cơ quan chống tham nhũng Indonesia (KPK) cần chú trọng điều tra nhiều giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, nhất là các dự án liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục