Dù giá than tăng cao kỷ lục, nhưng các doanh nghiệp khai thác than của Việt Nam vẫn không tăng được doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn thua lỗ.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu than toàn cầu trong 9 tháng năm 2021 dù chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ, sau khi giảm 5% trong năm 2020, nhưng giá than trung bình thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
Tuy vậy, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới, do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ 2 đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.
Giá than trong nước thường chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và chỉ diễn ra 3-4 năm/lần.
Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất ximăng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.
[Doanh nghiệp khoáng sản TKV vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu sản xuất]
Vì nhu cầu than trong nước chủ yếu phục vụ cho nhiệt điện, chiếm 72% nhu cầu trong nước nên SSI ước tính giá than năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ 4% so với năm 2021.
Về phía nhập khẩu, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với giá than thế giới, với mức tăng trung bình 83% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021.
Với giá than tăng mạnh, các ngành công nghiệp ở nước ta sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm nhiệt điện, ximăng, luyện kim và phân bón; trong đó, bởi giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng trong ngành cao như ximăng, chiếm 66%, sắt thép chiếm 88%, phân bón 74% sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn nhiệt điện ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng than sử dụng và chính phủ cũng ưu tiên nguồn than trong nước cho nhiệt điện.
Ngành than là ngành chịu tác động trực tiếp từ cơn sốt than, nhưng chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của chính phủ nên hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại.
Tổng doanh thu của đơn vị sản xuất lớn nhất là TKV trong 9 tháng đạt 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt 29,6 triệu tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái,do tình hình giãn cách xã hội kéo dài và huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh.
Chi phí sản xuất than cũng tăng cao do giá than thế giới tăng cao trong khi hai đơn vị sản xuất trong nước là TKV và Đông Bắc đang phải nhập khẩu khoảng 20 - 25% lượng than từ Australia và Indonesia để trộn với than trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa. Đồng thời, chi phí nhiên liệu cũng tăng mạnh khiến việc khai thác than trở nên đắt đỏ hơn.
Tổng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác than niêm yết trong nửa đầu năm 2021 lần lượt đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 115 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nửa cuối năm 2021, các doanh nghiệp than chưa có quá nhiều triển vọng về tăng giá bán hay đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.
Mới đây TKV cho biết, tổng doanh thu của tập đoàn 9 tháng ước đạt 94,6 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước đạt 13,2 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng hợp của Ban Kế hoạch thuộc TKV, hết 9 tháng các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn đạt từ 75-84% kế hoạch năm. Tập đoàn sản xuất được 29,67 triệu tấn than, đạt 77 % kế hoạch năm; tiêu thụ đạt 33,23 triệu tấn than, đạt 79 % kế hoạch năm.
Công ty cổ phần Than Vàng Danh ước thực hiện kế hoạch sản xuất-kinh doanh 9 tháng năm 2021 với doanh thu đạt 3.878 tỷ đồng, cao hơn 319 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 46,2 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, sang năm 2022, ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10-15% do chi phí sản xuất than của TKV và Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Các doanh nghiệp khai thác than đang niêm yết cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.
Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường (năm 2019 giá than Việt Nam đắt hơn 18% so với giá than nhập khẩu) nên dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022./.