Ngành thuế đứng ở đâu trong “cơn bão cách mạng công nghệ"

Ngành thuế đứng ở đâu trong “cơn bão cách mạng công nghệ"?

Được ví von là “con gà đẻ trứng vàng” trong những năm gần đây nhưng thực tế, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang khiến cơ quan quản lý loay hoay, đặc biệt là nỗi lo thất thu thuế.
 
Ngành thuế đứng ở đâu trong “cơn bão cách mạng công nghệ"? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Bài 1: Thương mại điện tử: Loay hoay với “con gà đẻ trứng vàng”

Được ví von là “con gà đẻ trứng vàng” trong những năm gần đây nhưng thực tế, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang khiến cơ quan quản lý loay hoay, đặc biệt là nỗi lo thất thu thuế.

 

Từng lo “trắng tay” với Uber?

Uber, Grab rầm rập đổ bộ vào Việt Nam 3 năm trước mang tới nhiều nhiều nghi vấn, đặc biệt là nỗi lo về thất thu thuế.

Tất nhiên, đi kèm với câu hỏi đặt ra cho ngành thuế là làm sao để thu thuế với các doanh nghiệp không hiện diện ở Việt Nam còn là những thắc mắc về việc, nên đặt Uber và Grab vào đâu, doanh nghiệp vận tải hay dịch vụ công nghệ. Câu hỏi khó nữa được đặt ra là làm sao quản được dòng tiền khi Uber “nắm đằng chuôi,” tiền chuyển ra nước ngoài và chỉ trả lại phần ăn chia 20% cho lái xe.

Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra tại thời điểm đó. Tuy nhiên, riêng với thu thuế, ngay từ năm 2014, lãnh đạo ngành thuế trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VietnamPlus đã khẳng định, phương án thu thuế là khả thi.

Hơn 2 năm trôi qua kể từ lần khẳng định ấy, trong suốt năm 2014-2015, cơ quan quản lý đã thu được thuế của Uber chưa và nếu có thì thu được bao nhiêu vẫn chỉ là câu hỏi bỏ ngỏ. Dư luận nhiều nơi đều lên tiếng chất vấn và thậm chí có một số chuyên gia còn phải cám thán rằng, Nhà nước “trắng tay” với Uber.

Sau không ít tranh luận, năm 2016, cơ quan chức năng cuối cùng cũng chốt phương pháp thu thuế với Uber và theo con số được một vị đại diện Tổng cục Thuế cho biết mới đây, Uber đã nộp cho số thuế khoảng vài chục tỷ đồng.

 

Chưa nói tới số thu ấy ít hay nhiều, câu hỏi vẫn tiếp tục được các hãng taxi truyền thống đặt ra là xe chạy Grab, Uber được tự do làm giá, không cần đăng ký giải trình. Thậm chí, mức thuế với Uber chỉ là 3% thuế giá trị gia tăng và 2% với thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đã khiến nhiều hãng taxi tỏ ra bất bình và thậm chí lo chính mình sẽ bị phá sản.

Đây là cuộc tranh cãi không chỉ ở Việt Nam. Ở một số nơi, sự căng thẳng còn lên tới đỉnh điểm khi Đài Loan đã từng yêu cầu Apple, Google xóa Uber khỏi kho ứng dụng. Chính quyền tại đây yêu cầu Uber phải đóng thuế giống các công ty vận tải khác. Thậm chí, Uber bị coi là dịch vụ vận tải không có giấy phép và sẽ bị phạt tới 800.000 USD mỗi lần vi phạm. Uber sau đó đã phải công bố ngừng toàn bộ hoạt động tại Đài Loan.

Câu chuyện ở Việt Nam chưa tới mức gay gắt như vậy. Tuy nhiên, chính sự mạnh tay ở các quốc gia khác khiến Việt Nam phải nhìn lại mình bởi sự bất bình từ giới doanh nghiệp là có thật. Như lời ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ứng xử với mô hình kinh doanh mới không phải là từ chối nhưng ở hướng khác ông cũng cho rằng, bình đẳng về thuế phí rất quan trọng.

 

Kinh doanh trên Facebook gây bất bình đẳng?

Thực tế, dù đóng thuế ít hay nhiều, câu chuyện đằng đẵng về thu thuế Uber cuối cùng ít nhiều cũng đã có câu trả lời. Tuy nhiên, ở một hướng khác, câu chuyện thậm chí còn dài kỳ hơn là làm sao thu thuế với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng xã hội mà đặc biệt là trên Facebook thì có lẽ vẫn còn dài tập.

Lên tiếng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW thẳng thắn, hiện rất nhiều cá nhân lên Facebook bán hàng và tận dụng mạng xã hội nhưng không hề phải đóng thuế và những chi phí khác.

“Hiện tại người bán hàng trên Facebook không phải kê khai thuế và Nhà nước không quản lý được nên đôi khi, nó tạo ra sự bất bình đẳng,” ông Hà nói.

Ngành thuế đứng ở đâu trong “cơn bão cách mạng công nghệ"? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: ridgetimes.co.za)

Chưa nói việc đã thu thuế với cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội cụ thể ra sao, ông Nguyễn Quý Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế chỉ khẳng định, việc thu thuế với các đối tượng trên là hoàn toàn đúng và “có cơ sở pháp lý.” Tuy nhiên, cũng chính ông phải thừa nhận, trong thực tế, quản lý thu thuế ra sao thì vẫn là “việc khó.”

Cái khó này được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chỉ ra rõ ràng hơn. Theo bà, các cá nhân đặt hàng qua Facebook, giao hàng tới tận nơi và trả tiền mặt. Thậm chí, người dùng có thể không lưu lại dấu vết trên Facebook khi chỉ xem ảnh và gọi điện cho người bán mang tới tận nơi.

Việc thanh kiểm tra là lưu ý khác được bà Cúc đặt ra nhưng theo bà, việc kiểm tra thuế trên mạng điện tử không dễ vì cần có kết nối với máy chủ để chiết xuất dữ liệu.

“Nếu người ta gian lận thì có thể xóa dữ liệu bán hàng đi. Như vậy, một mình cơ quan thuế không làm được,” đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam đánh giá./.

Bài 2: Thương mại điện tử: “Chúng ta không quản được gốc!”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục