Ngày càng nhiều lưu học sinh quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại Đà Nẵng

Đào tạo sinh viên quốc tế là một trong những nội dung chiến lược của Đại học Đà Nẵng và trong năm học 2022-2023, trường đã đào tạo hơn 700 sinh viên, học viên người nước ngoài.

Lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế học tập nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)
Lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế học tập nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Với chiến lược xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành trung tâm nghiên cứu, học tập lý tưởng, có điều kiện, chất lượng đào tạo phù hợp với các lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế, các trường Đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc luôn chú trọng thúc đẩy hợp tác, trao đổi sinh viên quốc tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đồng hành cùng lưu học sinh.

Điều này thu hút ngày càng nhiều lưu học sinh quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại Đà Nẵng.

Anh Kim Tae Kyu (người Hàn Quốc) có thời gian làm việc, học tập ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Sau thời gian làm việc tại Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, anh quyết định chọn Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) để làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ, với đề tài “Các nhân tố tác động đến việc tranh chấp lao động - Trường hợp các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc tại Việt Nam."

Theo anh Kim Tae Kyu, anh có khả năng làm nghiên cứu sinh ở một nơi khác nổi tiếng hơn nhưng anh chọn Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) do uy tín, chất lượng của trường tương đối tốt; chương trình đào tạo phù hợp điều kiện, mục tiêu anh đặt ra. Ngoài ra, các thầy hướng dẫn, hỗ trợ rất tận tình trong quá trình anh nghiên cứu đề tài.

Tương tự, anh Kiengcay Umvong (người Lào) từng học tập Đại học và Thạc sỹ tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Sau khi quay trở về làm việc tại Sở Giáo dục-Thể thao tỉnh Attapeu (Lào), anh Kiengcay Umvong quyết định trở lại Trường Đại học Sư phạm để làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ với đề tài “Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trường phổ thông tại 4 tỉnh Nam Lào."

Anh Kiengcay Umvong đánh giá môi trường học tập và điều kiện nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm rất tốt. Thầy cô nhiệt trình hỗ trợ trong quá trình anh nghiên cứu, học tập.

Năm học 2022-2023, Đại học Đà Nẵng đào tạo hơn 700 sinh viên và học viên người nước ngoài tại các trường Đại học thành viên, đơn vị trực thuộc. Trong đó, đa số lưu học sinh, thực tập sinh đến từ các quốc gia Đông Nam Á và châu Á; một số sinh viên đến từ Vương quốc Anh, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Sỹ, Hungary, Thụy Điển, Đức...

Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc, Phó trưởng Ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Đại học Đà Nẵng), cho biết những năm qua, các trường Đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý; hỗ trợ, đồng hành để lưu học sinh yên tâm học tập, rèn luyện. Đồng thời, các trường còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi sinh viên với nhiều đối tác; xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, bồi dưỡng tiếng Việt cho lưu học sinh, thực tập sinh. Đặc biệt tạo điều kiện cho lưu học sinh, thực tập sinh được học tập, trải nghiệm, trao đổi, giao lưu học thuật, ngôn ngữ và văn hóa.

Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Lê Quang Sơn cho hay công tác đào tạo sinh viên quốc tế là một trong những nội dung chiến lược của đơn vị. Việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu không những mang lại giá trị cho người học, kết nối, trao đổi phát triển học thuật mà còn tạo dựng uy tín, đóng góp tích cực cho mối quan hệ gắn kết, hợp tác bền vững với các đối tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng.

ttxvn-sinh-vien-quoc-te-1451.jpg
Lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế học tập nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thực hiện Chiến lược Phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến học tập. Trong đó, các trường Đại học thành viên từng bước xây dựng, hoàn thiện môi trường học tập hiện đại, chất lượng, hỗ trợ lưu học sinh phát huy được tính sáng tạo, năng động.

Nhờ có chiến lược, truyền thống, kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, đến nay, Đại học Đà Nẵng có mạng lưới kết nối, hợp tác sâu rộng với hàng trăm đối tác là cơ quan, tổ chức giáo dục-khoa học, trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp uy tín trên khắp thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục