Ngày Chủ nhật 24/2, Giáo hoàng Benedict XVI đã có buổi cầu nguyện đầy cảm động cuối cùng tại Quảng trường Thánh Peter, nói rằng Chúa đã yêu cầu ông phải dành thời gian lặng lẽ suy tư, nhưng nói rằng ông sẽ không "bỏ rơi" Thiên Chúa giáo. Những ngày cuối cùng làm Giáo hoàng của Benedict XVI đã bị phủ bóng bởi một vụ bê bối ngày càng tăng lên liên quan tới 2 đức Hồng y. Một người bị cáo buộc đã che đậy tội lỗi của những kẻ phạm tội ấu dâm. Người còn lại bị cáo buộc đã có "các hành vi không phù hợp". Cả hai người này sẽ tham gia một Hội nghị cơ mật Hồng y với sự tham dự của 117 vị để bầu Giáo hoàng mới. Nhưng hàng chục ngàn người ủng hộ vẫn tới tham dự lễ cầu nguyện cuối cùng của Benedict trước khi ông chính thức từ chức trong ngày thứ Năm tới đây. Họ thường ngắt quãng buổi cầu nguyện của ông bằng các màn vỗ tay, ca ngợi. "Chúa đã kêu gọi tôi phải leo lên đỉnh cao, phải tận tâm hơn với việc cầu nguyện và suy ngẫm. Nhưng điều này không có nghĩa bỏ rơi Thiên Chúa giáo" - Giáo hoàng nói, giọng ông vỡ ra vì xúc động - "Nếu Chúa yêu cầu tôi làm việc này thì đó cũng chỉ là để tôi có thể tiếp tục phụng sự với cùng một sự cống hiến và tình yêu như trước đây, nhưng theo một cách thức phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của tôi." Giáo hoàng 85 tuổi, lãnh đạo của 1,2 tỉ giáo dân Thiên Chúa giáo, đã thông báo trước đó rằng ông sẽ từ chức vì không còn sức khỏe để tiếp tục công việc. Việc ông đột ngột từ chức đã kết thúc 8 năm cầm quyền chìm trong vụ bê bối linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Ông đã cảm ơn đám đông bằng một lời nhắn với họ: "Chúng ta sẽ luôn ở gần nhau!". Cảnh sát Vatican và Rome ước tính có hơn 100.000 người đã tham dự lễ cầu nguyện hôm Chủ Nhật, tức nhiều hơn nhiều lần so với bình thường. "Giáo hoàng, chúng con yêu Người" là thông điệp ghi trên một khẩu hiệu được các giáo dân mang tới. Số khác viết: "Cám ơn, Đức Giáo hoàng" hay "Giáo hoàng kính yêu, chúng con sẽ nhớ Người". "Tôi tới đây để ủng hộ Giáo hoàng và để được ông chúc phúc" - Joao-Paulo, một linh mục tập sự 26 tuổi tới từ Brazil nói.
Nhiều người đã tới dự buổi lễ cuối của Giáo hoàng (Nguồn: AFP)
Birgit Marschall, 37 tuổi, một giáo viên tới từ Đức, cho biết: "Ông là một trí thức đã nói một thứ ngôn ngữ đơn giản và viết những điều chúng ta có trong tim mình". Claire Therese Heyne, một sinh viên thần học 34 tuổi tới từ Mỹ nói rằng Giáo hoàng hẳn phải có một lý do rất mạnh để ra đi. "Đây là hành động thể hiện sự can đảm và khiêm tốn" - cô nói. Benedict sẽ trở thành Giáo hoàng thứ hai trong lịch sử 2.000 năm của Thiên Chúa giáo từ chức. Ông là người đầu tiên kể từ thời Trung Cổ. Nhưng Gianpaolo, 33 tuổi, nói rằng Benedict đã "không can đảm" bằng những người tiền nhiệm và nhấn mạnh tới nhu cầu cần một sự thay đổi lớn trong Thiên Chúa giáo. Linda, 45 tuổi, tới từ Wales thì cho biết: "Giáo hoàng không cởi mở như người tiền nhiệm. Một Giáo hoàng mới phải cởi mở hơn với mọi người, với các ý kiến mới". Công tác an ninh đã diễn ra rất chặt ở trong và xung quanh Vatican, với hơn 100 sĩ quan cảnh sát và lính bắn tỉa đã bảo vệ các tòa nhà ở đây, ngoài hai bệnh viện dã chiến và hàng trăm các tình nguyện viên chuyên giúp đỡ các giáo dân. Sự kiện được xem là màn chuẩn bị để Giáo hoàng có bài phát biểu chia tay cuối cùng tại Quảng trường Thánh Peter trong ngày thứ Tư, với khoảng 200.000 người sẽ tới dự. Một số tờ báo Italy đã phỏng đoán rằng sức khỏe của Benedict có thể xấu hơn được thông báo. Số khác đổ lỗi cho vụ rò rỉ tin tức ở Vatican khiến ông phải ra đi. Nhiều bài báo nói rằng một ủy ban của các Hồng y điều tra vào các vụ rò rỉ tài liệu mật khỏi Vatican hồi năm ngoái đã phát hiện nhiều cáo buộc về các mưu đồ, tình trạng tham nhũng và tống tiền trong Vatican.
Giáo hoàng vẫy tay chúc phúc cho giáo dân lần cuối từ cửa sổ của mình (Nguồn: AFP)
Bộ Ngoại giao Tòa thánh đã có một bước đi bất thường trong ngày thứ Bảy khi đưa ra thông báo lên án "các bài báo hoàn toàn sai lạc" đưa tin về nội tình Tòa thánh. Sau nhiều cuộc họp bắt đầu từ thứ Sáu, các Hồng y sẽ xác định ngày bắt đầu mật nghị Hồng y để bầu ra Giáo hoàng mới. Hiện chưa có gương mặt triển vọng nào xuất hiện, nhưng các nhà quan sát nói rằng các Hồng y có thể sẽ chọn một ứng viên trẻ trung hơn, người có các đặc điểm của một mục sư hơn là Benedict. Vatican nói rằng Benedict sẽ nghỉ hưu tại tư dinh Castel Gandolfo dành cho Giáo hoàng nằm gần Rome trong 2 hoặc 3 tháng để chờ một tu viện ở Vatican được tân trang. Các nguồn tin Vatican nói rằng nhiều khả năng ông vẫn giữ danh hiệu Giáo hoàng và còn có thêm danh hiệu "Tổng giám mục danh dự của Giáo phận Rome." Giáo hoàng cũng đã lên Twitter để nói lời tạm biệt. Một thông điệp được gửi lên Twitter dưới tiêu đề @Pontifex hôm Chủ Nhật đã nói rằng: "Trong những ngày trọng đại này, Tôi kêu gọi các bạn cầu nguyện cho tôi và cho Thiên Chúa giáo."/.
Linh Vũ (Vietnam+)