Ngày Giỗ Tổ nghề Sân khấu: Kính nghiệp, tri ân tiền nhân và khán giả

Ngày giỗ Tổ nghề Sân khấu là ngày hội tôn vinh nền sân khấu nước nhà, là dịp để các nghệ sỹ thể hiện lòng kính nghiệp, tri ân tiền nhân, trân quý khán giả.

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Lễ Giỗ Tổ nghề Sân khấu đã diễn ra long trọng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Sau "chúc văn" của Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức và nghi lễ đánh trống, hàng dài nghệ sỹ từ khắp miền Tổ quốc nối nhau lên thắp hương, dâng lễ, bày tỏ lòng biết ơn đến Tổ nghề - các bậc tiền nhân đã sáng tạo, xây dựng nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ngày Giỗ Tổ nghề (12/8 Âm lịch) có ý nghĩa rất lớn, là sự tri ân với các thế hệ đi trước đã vượt qua mọi gian nan, định kiến xã hội để sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị, làm giàu cho bản sắc văn hoá. Với các nghệ sỹ, kính nghiệp cũng là sự tri ân khán giả đã đồng hành, ủng hộ con đường nghệ thuật của mình.

[Ngày Sân khấu Việt Nam: Những người nguyện làm kiếp tằm ăn lá nhả tơ]

Vài năm nay, không chỉ nghệ sỹ các loại hình biểu diễn truyền thống mà tất cả các loại hình sân khấu khác như kịch nói, ca nhạc, kể cả các nghệ sỹ trong giới showbiz như người mẫu, MC… cũng lấy ngày này để tôn vinh nghề.

Ngày giỗ Tổ nghề Sân khấu cũng là nét đẹp của truyền thống "uống nước nhớ nguồn," là điểm tựa tinh thần giúp những nghệ sỹ từ trẻ tới già luôn giữ gìn trách nhiệm với nghề, với tiền nhân và với khán giả./.

(Vietnam+)