Nghệ An: Nhiều xí nghiệp chè "điêu đứng" vì giao khoán đất đai

Sau một thời gian dài sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường, công tác quản lý đất đai của một số nông trường chè trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Nghệ An: Nhiều xí nghiệp chè "điêu đứng" vì giao khoán đất đai ảnh 1Đất đai bị hoang hóa, thiếu nguyên liệu sản xuất. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Theo báo cáo trong phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014” của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau một thời gian dài sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh, công tác quản lý đất đai của một số công ty nông lâm nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng giao khoán, lấn chiếm và chuyển đổi đất nông nghiệp.

Riêng tại tỉnh Nghệ An, việc giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp phổ biến này đã khiến một số nông trường (nay là xí nghiệp chè) không quản lý được diện tích Nhà nước giao, dẫn tới tình trạng hoang hóa đất đai, hoạt động lay lắt vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Sống dở, chết dở

Ông Phan Đình Hà, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương - một trong những huyện có vùng chè nổi tiếng nhất nhì của tỉnh Nghệ An - cho biết, hiện nay trên địa bàn có 3 xí nghiệp chè được chuyển đổi từ các nông trường chè trước đây, đó là xí nghiệp chè Ngọc Lâm (với diện tích 284,4 ha), xí nghiệp chè Hạnh Lâm (1.950,78 ha), và xí nghiệp chè Thanh Mai (654,42 ha).

“Trong 3 xí nghiệp này, hiện có một xí nghiệp coi như đã 'chết hẳn' vì nhiều năm tê liệt hoạt động, một xí nghiệp 'ngắc ngoải', còn một xí nghiệp thì hoạt động lay lắt vì thiếu sản phẩm,” ông Hà nói.

​Chứng thực cho những kết luận trên, ông Hà dẫn ​phóng viên VietnamPlus đi thăm các xí nghiệp chè đang hoạt động cầm chừng. Có mặt tại các xí nghiệp, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ​phóng viên là văn phòng, các phân xưởng chế biến và dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, tồi tàn như thể đã bị bỏ hoang từ nhiều năm trước.

Trong câu chuyện với khách, ông Phạm Ngọc Châu, Giám đốc xí nghiệp chè Hạnh Lâm cho biết, đến nay 600 ha đất tốt nhất của xí nghiệp đã được giao khoán cho công nhân và người dân trồng chè, còn lại hơn 1.300 ha hiện bỏ hoang (gồm: đất ao hồ, đất công trình, trường học, đường xá, thổ cư và những diện tích đất cằn cỗi không thể canh tác được).

Về phần đất đang trồng chè, ông Châu cho biết, trước đây khi giao khoán, nông trường ký hợp đồng với các hộ dân theo phương thức xí nghiệp cung cấp phân bón, giống, kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm chè. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, các hộ gia đình đầu tư toàn bộ, sản phẩm thì bán cho các cơ sở chế biến chè tư nhân ở bên ngoài. Vì vậy, xí nghiệp không thu mua được sản phẩm để chế biến.

“Trong phương án sắp xếp đổi mới, tới đây xí nghiệp dự định sẽ chỉ giữ lại 600 ha đất thích hợp với trồng chè, còn lại sẽ trả hơn 1.300 ha đất về cho chính quyền địa phương quản lý. Trước kia không phải nộp tiền thuê đất thì nên giữ, chứ sắp tới triển khai cổ phần hóa sẽ phải thuê đất từ Nhà nước. Vì thế, những diện tích đất nào để hoang hóa, không canh tác được chúng tôi sẽ trả hết cho địa phương”, ông Châu bày tỏ.

Cùng "sở hữu" vườn chè trên địa bàn huyện Thanh Chương, nhưng tình hình hoạt động của Xí nghiệp chè Thanh Mai còn bi đát hơn. Đến xí nghiệp này, khó ai có thể tưởng tượng được nơi đây đã có một thời “hoàng kim” của ngành chế biến chè Nghệ An, nhưng nay chỉ còn trơ lại một hệ thống nhà xưởng tồi tàn với dây chuyền máy móc cũ kỹ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc xí nghiệp chè Thanh Mai cho biết, trước đây nông trường có nhiệm vụ tạo ra vùng nguyên liệu chè, làm đầu tàu trung tâm kinh tế vùng. Về sau xóa bỏ bao cấp, toàn bộ diện tích đất được giao khoán, chuyển nhượng hết cho các hộ dân sản xuất. Tuy nhiên, do không có hợp đồng pháp lý ràng buộc với các hộ nhận giao khoán, nên xí nghiệp mua nguyên liệu giá cao thì bà con bán, mua giá thấp thì người dân nhập cho tư thương.

Bên cạnh đó, ven nông trường, hiện tượng chuyển nhượng trái phép đất đai, xây dựng nhà ở, công trình kiên cố cũng diễn ra khá phổ biến, nhưng xí nghiệp chè không thể xử lý sai phạm vì chỉ quản lý trên hình thức, không có chức năng quản lý Nhà nước.

"Giờ chúng tôi muốn tổ chức trồng chè để có nguyên liệu cho nhà máy hoạt động thì cũng chịu vì người dân đã lấn chiếm một phần lớn diện tích đất sản xuất,” ông Khánh ngậm ngùi.

Nghệ An: Nhiều xí nghiệp chè "điêu đứng" vì giao khoán đất đai ảnh 2Nông trường không còn đủ nguyên liệu đầu vào để sản xuất. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Chỉ tồn tại trên danh nghĩa!

Cũng theo ông Khánh, trước đây nông trường Thanh Mai hoạt động theo mô hình cấp xã, nên có đầy đủ chức năng của một chính quyền, có dân quân tự vệ, tư pháp, công an, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên. Về sau, các tổ chức này bị loại bỏ hết, nên việc quản lý hộ tịch hộ khẩu và người dân đã được giao hết về cho chính quyền xã.

“Bây giờ nông trường muốn cưỡng chế thu hồi đất, muốn xử lý các hộ dân lấn chiếm đất trái phép thì không có người để thực thi và cũng không có quyền để xử phạt người dân vi phạm. Đây cũng là lý do khiến xí nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, thực chất đã phải ngừng hoạt động từ lâu vì không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ, công nhân viên,” ông Khánh nói.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông Khánh bảo, mặc dù Nhà nước đang chỉ đạo tới đây sẽ quyết liệt cổ phần hóa, nhưng với thực tế xí nghiệp đang gặp phải thì việc cổ phần còn "khó hơn lên trời" vì tài sản ở đây chỉ có nhà xưởng tồi tàn đã hỏng gần hết. “Đất thì của nhà nước, không được đưa vào định giá để bán cổ phần, nên sẽ chẳng ai mua cổ phần của xí nghiệp,” ông Khánh phân trần.

Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý, ông Phan Đình Hà, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương nhấn mạnh, đất đai là vấn đề “nóng” của các nông trường chè trên địa bàn huyện. Nhiều năm qua, việc chuyển nhượng, tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp và người dân diễn ra vô cùng phức tạp.

“Nói đúng ra là, người dân đã chiếm gần hết đất canh tác của các nông trường, trong khi quản lý đất này từ huyện, xã đến từng hộ dân vô cùng khó khăn,” ông Hà nói.

Vị Phó Chủ tịch này cũng khẳng định, quá trình các nông trường giao đất cho các hộ dân đều không thông qua chính quyền cấp huyện, cấp xã. Ngay như Đề án sắp xếp đổi mới lại các công ty nông lâm nghiệp đang xây dựng thì các công ty nông lâm nghiệp, họ cũng chỉ báo cáo trực tiếp với tỉnh, chứ Ủy ban nhân dân huyện không được tham gia.

Về phần đất lấn chiếm, ông Hà nêu quan điểm: Nếu sau cổ phần hóa, diện tích đất nào giao cho các công ty thì cứ đúng pháp luật thực thi, huyện sẽ phối hợp yêu cầu các hộ dân phải trả lại đất cho lâm trường, kể cả phải áp dụng cưỡng chế. Tuy nhiên, việc thu hồi này cần xử lý hài hòa với tài sản mà người dân hiện có trên đất.

“Nếu nông trường và người dân ký lại hợp đồng giao khoán mới thì tốt. Riêng phần đất được nông trường và Ủy ban nhân dân tỉnh bàn giao về cho địa phương quản lý, thì chúng tôi sẽ có kế hoạch giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất cho từng hộ dân,” ông Hà nhấn mạnh./.

Ông Hồ Viết An, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và phát triển chè Nghệ An cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 xí nghiệp chè đóng tại 4 huyện, thành phố. Tất cả các xí nghiệp này đều do công ty quản lý. Tuy nhiên, hoạt động của các xí nghiệp chè thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

Thậm chí, một số xí nghiệp đến nay dường như chỉ tồn trại trên danh nghĩa, đóng cửa vì áp lực quản lý đất đai, áp lực thị trường. Đơn cử như các xí nghiệp chế biến chè Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Mai (huyện Thanh Chương).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục